Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình dương lần thứ nhất do Washington tổ chức ngày 29/9/2022. (Nguồn: AP) |
Một quan chức Mỹ cho biết: “Bạn sẽ thấy cam kết của chúng tôi về việc mở lại các đại sứ quán trong vài ngày tới. Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã hoạt động trở lại ở Thái Bình Dương. Quân đoàn Hòa bình đến nhiều hòn đảo mà họ đã phục vụ trong các thời kỳ trước”.
Trong khi đó, một số nhóm từ thiện và doanh nghiệp Mỹ cũng quan tâm đến việc tham gia sâu hơn vào khu vực Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, một quan chức khác nhận định rằng, Washington cần phải duy trì trọng tâm chiến lược ở Thái Bình Dương, trước sự quyết đoán và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực này. Hơn nữa, lợi ích quốc gia của Mỹ gắn liền với “một khu vực Thái Bình Dương tự do, rộng mở, sôi động và năng động”.
Dự kiến lịch trình của các nhà lãnh đạo các đảo Thái Bình Dương bao gồm bữa trưa làm việc với Tổng thống Biden, sau đó là cuộc gặp bàn tròn với đặc phái viên về khí hậu Mỹ John Kerry và bữa tối với Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 25/9.
Trong ngày 26/9, những người đứng đầu các đảo Thái Bình Dương tham dự cuộc họp về vấn đề khí hậu và đại dương do Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry và quản trị viên của USAID Samantha Power đồng chủ trì.
Cuối ngày 26/9, các thành viên Quốc hội Mỹ tiếp đón các nhà lãnh đạo tại Điện Capitol. Bên cạnh đó, họ dự kiến tham dự một hội nghị bàn tròn kinh doanh với Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen để xem xét cách thức các nền kinh tế Thái Bình Dương có thể thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Trước đó, ngày 24/9, theo một số nguồn tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ hai vào ngày 25/9.
Nguồn tin trên cho biết, hội nghị là dịp để ông Biden thể hiện cam kết và tăng cường can dự của Mỹ đối với các quốc đảo Thái Bình Dương. Đề cập sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây, Mỹ và các nước “cùng chí hướng” muốn các quốc gia trong khu vực có thêm một lựa chọn trong chính sách đối ngoại.
Hầu hết các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Australia và New Zealand, sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ hai. Sự kiện năm nay có thêm hai thành viên mới tham gia là Đảo Cook và Niue (nơi Mỹ sắp mở Đại sứ quán).
Tuy nhiên, Thủ tướng quốc đảo Solomon Manasseh Sogavare không tham dự. Hồi tháng Bảy, quốc đảo này đã ký với Trung Quốc một thỏa thuận xây dựng mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” về an ninh và thực thi pháp luật.
Theo đó, Washington tỏ ra thất vọng khi thấy Thủ tướng Solomon dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York trong tuần trước, nhưng rời Mỹ vào cuối tuần và không tham dự sự kiện này.
Các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương khác đã lên tàu hỏa đi từ New York tới Baltimore hôm 23/9, cùng lên tàu của cảnh sát biển của Mỹ, nghe tóm tắt về các vấn đề hàng hải cũng như chính sách của Mỹ ứng phó với nạn đánh bắt cá trái phép. Các phiên họp chính thức, trong đó có cuộc họp với Tổng thống Biden cũng như các nghị sĩ Quốc hội Mỹ bắt đầu vào ngày 25/9.