Hình ảnh phóng tên lửa ICBM Minuteman III. (Nguồn: military.com) |
Mỹ sẽ tiến hành thử tên lửa ICBM Minuteman III không mang đầu đạn hạt nhân tại căn cứ không quân Vandenberg (bang California) vào cuối ngày 25/2 hoặc sáng 26/2 (giờ địa phương). Mục tiêu được nhắm đến là các đảo san hô Kwajalein (Kwaijalein Atoll) thuộc quần đảo Marshall tại miền Nam Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work cho biết, Washington đã tiến hành ít nhất 15 cuộc bắn thử ICBM kể từ tháng 1/2011. Reuters (Anh) dẫn lời ông Work nói rằng các cuộc bắn thử tên lửa xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này phát ra một thông điệp đối với các đối thủ cạnh tranh chiến lược như Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, rằng kho vũ khí hạt nhân của Washington vẫn có hiệu quả.
"Đây chính là lý do để chúng tôi thực hiện hoạt động bắn thử này", ông Work khẳng định và bổ sung việc Mỹ thử nghiệm tên lửa ICBM là một tín hiệu cho thấy Washington đang "chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ quốc gia nếu cần".
Đây là vụ thử tên lửa lần thứ 2 của Washington nhằm chứng minh độ tin cậy của vũ khí hạt nhân Mỹ trong thời điểm căng thẳng gia tăng với các quốc gia như Nga và Triều Tiên. Sức mạnh hạt nhân của Washington vốn vấp phải nhiều quan ngại gần đây về kho vũ khí cũ kỹ thiếu hiệu quả cũng như những bê bối trong hai năm qua. Chính những vấn đề này đã dấy lên nhiều nghi vấn về tính sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân quân sự Mỹ, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều bất ổn.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiêu tốn hàng triệu USD vào công tác cải thiện tình hình cho các binh sĩ có vai trò điều phối và duy trì hệ thống vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, chính quyền Mỹ cũng ngày càng quan tâm hơn đến công tác nâng cấp vũ khí: Trong khoản ngân sách quốc phòng chính thức của Tổng thống Obama được công bố vào tháng 2/2016, Nhà Trắng kêu gọi Quốc hội chi 1,8 tỷ USD cho công tác đại tu hệ thống máy bay ném bom, tên lửa, tàu ngầm và các hệ thống mang sức mạnh hạt nhân khác đang bị lão hóa.
Bên cạnh đó, khoản tiền 19 tỷ USD mà Tổng thống đề nghị sẽ cho phép Lầu Năm góc và Bộ Năng lượng thúc đẩy việc đại tu hệ thống cơ sở hạ tầng vũ khí nguyên tử Mỹ. Công tác đại tu dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 320 tỷ USD trong một thập kỷ và có thể lên khoảng 1 nghìn tỷ USD sau 30 năm.