Quan chức Mỹ cho rằng, nước này đã áp đặt hàng nghìn lệnh pháp trừng phạt với Nga. Hình ảnh tàu chở dầu đến Mỹ mang theo nhiên liệu được sản xuất từ nguyên liệu thô của Nga. (Nguồn: The Wall Street Journal) |
Tuyên bố trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đưa ra trong bài phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội. Ông Adeyemo nói thêm: “Riêng tại Mỹ, chúng tôi đã áp đặt hàng nghìn lệnh trừng phạt đối với các tổ chức và cá nhân của Nga”.
Theo Giám đốc Viện Dân chủ Patrick Basham, trong thời gian chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, người dân Mỹ ngày càng ít nhiệt tình hơn với các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt đối với Nga, họ cho rằng, nhà chức trách nên tập trung giải quyết vấn đề trong nước.
Kết quả thăm dò ý kiến người dân cho thấy, chỉ số ủng hộ giành cho người đứng đầu Nhà Trắng đã giảm xuống còn 36% - đây là mức thấp nhất trong suốt thời gian cầm quyền của ông.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Những quy định hạn chế chủ yếu ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng và sản phẩm công nghệ cao.
Bên cạnh đó, một số quốc gia đã phong tỏa tài sản của các ngân hàng và cá nhân Nga. Nhiều công ty thông báo tạm ngừng hoạt động tại nước này.
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn đến nhiều khó khăn về kinh tế ở Mỹ và châu Âu - nơi đang phải đối mặt với mức tăng giá nhiên liệu và lương thực chưa từng có.
Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên từ chối mua dầu của Nga và hoan nghênh quyết định tương tự của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Cụ thể, mức lạm phát tại Mỹ đã tăng vọt lên 8,6% trong tháng 5/2022 - mức cao nhất kể từ tháng 12/1981, giá xăng ngày 10/6 lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt ngưỡng hơn 5 USD/gallon.
Để chống lạm phát, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 4/5 đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, nâng lãi suất liên bang lên mức 0,75-1%.