Đối thoại AUSMIN ngày 28/7 đề cập nhiều vấn đề nóng trong quan hệ Australia-Mỹ. (Nguồn: AAP) |
Ngày 29/7, trả lời phỏng vấn báo chí tại Queensland (Australia), ông Austin nhấn mạnh: “Chúng tôi đang theo đuổi một số sáng kiến cùng có lợi với ngành công nghiệp quốc phòng của Australia, và những sáng kiến này bao gồm cam kết giúp Canberra sản xuất các hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường… vào năm 2025”.
Lãnh đạo Lầu Năm Góc hy vọng, việc chế tạo tên lửa có thể bắt đầu ở Australia hai năm tới, như một phần của hợp tác công nghiệp giữa hai nước.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết sẽ có "sự gia tăng tần suất các chuyến thăm của các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Mỹ tới vùng biển của Australia" như một phần của cam kết song phương.
Hiện ông Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang ở bang Queensland để tham dự cuộc đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Australia-Mỹ (AUSMIN) với những người đồng cấp nước chủ nhà.
Trong một tin liên quan, phát biểu tại họp báo ở Brisbane sau AUSMIN, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã đề nghị Mỹ nhanh chóng giải quyết vụ án liên quan đến nhà sáng lập WikiLeaks.
Bà Wong khẳng định: “Vụ án của ông Assange đã kéo dài quá lâu và chúng tôi mong muốn vụ việc sẽ được kết thúc”.
Đáp lại, Ngoại trưởng Blinken xác nhận vụ án của ông Assange đã được nêu ra trong các cuộc đàm phán song phương.
Khẳng định hiểu quan điểm của phía Canberra về vấn đề này, ông Blinken nhấn mạnh: “Ông Assange bị buộc tội vì hành vi tội phạm rất nghiêm trọng ở Mỹ liên quan đến vai trò trong một trong những vụ dàn xếp thông tin mật lớn nhất trong lịch sử. Những hành động mà ông ta bị cáo buộc thực hiện gây nguy hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của chúng ta".
Ông Julian Assange, 51 tuổi, công dân Australia, bị Mỹ truy tố theo Đạo luật gián điệp với cáo buộc tấn công máy tính của chính phủ để thu thập và tiết lộ trái phép lượng lớn tài liệu quân sự mật và các bức điện ngoại giao trên WikiLeaks, hành vi mà họ cho là đe dọa tính mạng nhiều người.
Hồi năm ngoái, giới chức Anh đã chấp thuận yêu cầu dẫn độ sáng lập viên WikiLeaks sang Mỹ để hầu tòa vì cáo buộc trên.