Ngày 15/4, Triều Tiên đã bắt đầu buổi lễ quy mô lớn kỷ niệm 105 ngày sinh nhà sáng lập nước, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung).
Cuộc diễu binh quy mô lớn tại Bình Nhưỡng đã bắt đầu và được truyền hình trực tiếp. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chủ trì buổi diễu binh tại quảng trường được đặt theo tên của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Đài Truyền quốc gia Triều Tiên khẳng định "các phương tiện quốc phòng và tấn công mạnh và tối tân nhất của nước này đã chấm dứt uy thế quân sự của các đế quốc".
105 năm ngày sinh Kim Nhật Thành là đại lễ ở Triều Tiên. (Nguồn: AP) |
Có khoảng 200 nhà báo nước ngoài được mời đến đưa tin về các hoạt động chào mừng ngày lễ này.
Ra mắt vũ khí mới
Theo Tân Hoa Xã và Reuters, cùng ngày, trước thềm lễ diễu binh, Triều Tiên đã lần đầu tiên giới thiệu một tên lửa đạn có thể phóng được từ tàu ngầm (SLBM).
Lễ duyệt binh được trực tiếp qua Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên. (Nguồn: Hindu Times) |
Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên đã phát đi hình ảnh về các tên lửa Pukkuksong-2 SLBM trên các xe tải trước khi lễ diễu binh chính thức bắt đầu.
Dịp nghỉ lễ quốc gia này của Triều Tiên, còn được gọi là Ngày của Mặt Trời, diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc bắn tên lửa trong các dịp lễ quan trọng vào tháng 4 này.
Các đợt diễu binh lần trước của Triều Tiên diễn ra vào tháng 10/2015 nhằm kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên và năm 2012 - dịp kỷ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Đây cũng là thời điểm Triều Tiên lần đầu công bố tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08.
Mỹ cân nhắc chính sách mới
Theo AP, một số quan chức Mỹ giấu tên ngày 14/4 cho biết sau 2 tháng xem xét, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hoàn tất chính sách về Triều Tiên, theo đó tập trung "gây sức ép và can dự tối đa" đối với Bình Nhưỡng.
Mỗi dịp lễ này, hành động của Triều TIên luôn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. (Nguồn: Dailystar) |
Trọng tâm của chính sách mới sẽ là tăng cường sức ép với Triều Tiên với sự hỗ trợ từ Trung Quốc. "Can dự" vẫn là một lựa chọn, song mục tiêu của phương án này là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Biện pháp này sẽ không đi đến một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hay giảm thiểu kho hạt nhân, ám chỉ Mỹ chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân.
Mỹ đã hoàn tất chính sách trên sau khi các cố vấn của Tổng thống Trump xem xét một loạt biện pháp nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, trong đó có các phương án quân sự, cũng như ý tưởng về việc công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.
Chính sách mới này không khác nhiều so với chính sách "kiên nhẫn chiến lược" dưới thời Tổng thống Barack Obama, ngoài việc Mỹ sẽ gây sức ép lớn hơn để Trung Quốc có hành động với Triều Tiên. Trước và sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước, Tổng thống Trump đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh nỗ lực hơn nữa nhằm giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng, đồng thời hứa hẹn một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Mỹ nếu Trung Quốc làm được điều này. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh dường như sẽ không gây sức ép thực sự đối với Bình Nhưỡng, điều mà nước này đã làm trong suốt nhiều thập kỷ qua, do lo ngại việc gây sức ép quá lớn có thể gây mất ổn định, thậm chí là kéo theo sự sụp đổ của quốc gia láng giềng này. Một quan chức quân sự Mỹ cho biết Mỹ không dự định sử dụng vũ lực quân sự đối với Triều Tiên nhằm đáp trả một vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể thay đổi nếu Triều Tiên phóng tên lửa vào Hàn Quốc, Nhật Bản hay lãnh thổ của Mỹ.
Chính sách trên được Mỹ đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên khi có nhiều đồn đoán về việc Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc hoặc bắn tên lửa trong các dịp lễ quan trọng trong tháng 4 này.
Dự đoán từ giới chuyên gia
Chủ tịch Viện Nghiên cứu khoa học và an ninh quốc tế Mỹ (ISIS), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington chuyên theo dõi các vấn đề hạt nhân Triều Tiên và Iran, ông David Albright cho biết tính đến cuối năm 2016, Triều Tiên ước tính đã sở hữu 30 đơn vị vũ khí hạt nhân và dự đoán đến năm 2020, kho vũ khí này sẽ tăng lên 60 đơn vị vũ khí.
Ông Albright đưa ra con số trên dựa vào những diễn biến mới nhất trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Theo ước lượng, Triều Tiên được cho là sở hữu 30 kg plutoni đã phân tách và từ 175 đến 645 kg urani cấp độ vũ khí. Con số này tương đương với 13 đến 30 đơn vị vũ khí hạt nhân với điều kiện 70% số nguyên liệu thô này được sử dụng để chế tạo bom, và cũng đủ để chế tạo 12 vũ khí sử dụng "lõi kết hợp" plutoni và urani cấp độ vũ khí.
Theo chuyên gia trên, các vụ thử dưới lòng đất sẽ cho phép Triều Tiên cải thiện đáng kể vũ khí của mình về mức độ tiêu hao nguyên liệu thô (đặc biệt là plutoni) trong mỗi đơn vị vũ khí, thu nhỏ hơn đầu đạn và tăng cường sức công phá. Ông Albright cho rằng Bình Nhưỡng cũng đặt mục tiêu phát triển vũ khí nhiệt hạch, loại vũ khí sử dụng ít nguyên liện thô hơn, thu nhỏ đầu đạn hơn nhưng có sức công phá lớn hơn. Chuyên gia này cho rằng con số ước tính cao hơn vẫn là khả thi, như con số 100 đơn vị vũ khí hạt nhân mà ISIS đưa ra vào năm 2015, nếu Triều Tiên mở rộng đáng kể chương trình ly tâm khí và tăng sản xuất plutoni đã phân tách.