Đây là động thái nhằm tăng cường "sự giám sát nghiêm ngặt" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng cần thiết để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố.
Trong một tài liệu công bố ngày 4/5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, những câu hỏi về các tài khoản mạng xã hội là một phần trong số các tiêu chí phỏng vấn chặt chẽ hơn, sẽ được áp dụng đối với 65.000 người mỗi năm, tương đương khoảng 0,5% tỷ lệ người xin cấp thị thực Mỹ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc này không nhằm vào quốc tịch hay bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Bộ Ngoại giao Mỹ đề xuất các thủ tục khắt khe hơn đối với những người xin thị thực. (Nguồn: AFP) |
Ngoài ra, một loạt câu hỏi mới cũng sẽ được áp dụng cho những người xin thị thực "bị xác định nằm trong diện phải xem xét kỹ lưỡng thêm liên quan tới nghi vấn khủng bố hoặc không đủ tiêu chuẩn cấp visa do vấn đề an ninh". Khi xin cấp thị thực Mỹ, những người nộp đơn còn phải cung cấp các dữ liệu liên quan, như tất cả số hộ chiếu từng sử dụng, hoạt động trên mạng xã hội 5 năm qua, cũng như địa chỉ tất cả thư điện tử và số điện thoại sử dụng trong thời gian này, và tiểu sử cá nhân trong vòng 15 năm trở lại đây.
Nếu được phê chuẩn, tiêu chuẩn mới nêu trên sẽ đánh dấu bước đi cụ thể đầu tiên hướng tới việc giám sát nghiêm ngặt hơn mà Tổng thống Trump đã yêu cầu các cơ quan liên bang áp dụng đối với các công dân đến từ các quốc gia mà ông cho là mối đe dọa với Mỹ trong một sắc lệnh hành pháp được ban hành và sửa đổi hồi Quý I năm nay.
Cụ thể, hôm 27/1 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cấm người dân từ 7 quốc gia (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) vào Mỹ trong 90 ngày, song vấp phải sự phản đối của các tòa án liên bang. Đến ngày 16/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ đã sửa đổi lệnh cấm này, rút Iraq khỏi danh sách, song vẫn bị các tòa án đình chỉ. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng khẳng định sắc lệnh trên nhằm bảo đảm an toàn cho người Mỹ trước các cuộc tấn công khủng bố.
Hiện chỉ có các công dân của 38 nước giàu có, trong đó có 30 nước châu Âu, được hưởng lợi từ việc miễn thị thực đến Mỹ trong 90 ngày mà không cần trải qua quá trình làm thủ tục kéo dài. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra các vụ tấn công đẫm máu tại Pháp năm 2015, với thủ phạm hoặc sự trợ giúp từ các phần tử thánh chiến mang hộ chiếu Pháp và Bỉ, nhiều nghị sĩ Mỹ coi việc miễn thị thực là một lỗ hổng an ninh nguy hiểm.