Sau vụ mạng lưới cung cấp nhiên liệu của Colonial Pipeline bị tấn công mạng vào cuối tuần qua, ngày 11/5, hơn 1.000 trạm xăng ở bờ biển phía Nam và phía Đông nước Mỹ đã cạn sạch nhiên liệu.
Các nhà phân tích cho rằng, đây là hậu quả của việc các tài xế bất ngờ đổ xô đi mua xăng trong tình trạng hoảng loạn.
Mỹ đang rơi vào tình trạng cạn xăng dầu, do người dân tích trữ quá nhiều. (Nguồn: Reuters) |
Trước bối cảnh đó, các quan chức chính phủ đã cố gắng trấn an người dân.
Trao đổi với các phóng viên, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm khẳng định: “Không có lý do nào cho việc tích trữ giấy vệ sinh khi đại dịch bùng phát, vậy thì cũng chẳng có lý do gì để người dân tích trữ xăng”.
Bộ trưởng Năng lượng nhấn mạnh, không nên quá lo ngại về tình trạng cạn kiệt nhiên liệu, đặc biệt là khi đường ống của Colonial Pipeline dự kiến sẽ sớm quay trở lại hoạt động.
Bà Granholm cho biết, các mối lo ngại không bắt nguồn từ việc nước Mỹ không đủ trữ lượng nhiên liệu, mà xuất phát từ cuộc tấn công hệ thống ống dẫn, gây ra cuộc khủng hoảng về nguồn cung hiện nay.
Cuộc khủng hoảng đó dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng miền Bắc và Nam Carolina, Tennessee, Georgia và miền Nam Virginia.
Theo dịch vụ cung cấp thông tin giá dầu của S&P, đã có hơn 1.000 trạm xăng rơi vào tình trạng thiếu hụt nhiên liệu.
Tom Kloza, một nhà phân tích của công ty S&P cho biết: “Phần lớn nguyên nhân thiếu hụt là do các trạm xăng bán được gấp ba hoặc bốn lần lượng xăng thông thường. Điều này cho thấy, người dân đang thực sự hoảng sợ.”
Các báo cáo gần đây cho thấy, giá xăng dầu tăng cao hơn mức bình thường. Tuy hiện tượng này đã trở nên phổ biến trước cả sự cố đường ống dẫn, bà Granholm vẫn cảnh báo các chủ trạm xăng: "Chúng tôi sẽ không khoan nhượng trước các hành vi tăng giá".
Hệ thống ống dẫn nhiên liệu lớn nhất của Mỹ Colonial Pipeline bị tấn công mạng vào cuối tuần qua. (Nguồn: Freightwaves) |
Từ ngày 10 đến 11/5, các trạm xăng ở tàu điện ngầm Atlanta đã cạn sạch nhiên liệu. Tương tự, theo thống kê của trang Gasbuddy.com, gần 6% trên khoảng 6.400 trạm xăng tại Georgia không còn đủ nhiên liệu để cung cấp.
Tại Florida, các tài xế ở một số khu vực đã phải xếp hàng dài chờ được bơm xăng và 3% số trạm xăng đã hết sạch nhiên liệu cung cấp. Ngày 11/5, Thống đốc bang Florida, Ron DeSantis đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhằm giúp đối phó với bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu.
Hệ thống ống dẫn chính của công ty Colonial Pipeline cũng vận chuyển nhiên liệu máy bay. Hãng hàng không American Airlines đã định tuyến lại hai chuyến bay đường dài từ Charlotte, Bắc Carolina, do có thể xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu. Hành khách bay đến Honolulu sẽ phải đổi chuyến ở Dallas. Trong khi đó, các chuyến bay đến London sẽ dừng ở Boston để tiếp nhiên liệu.
Các chuyến bay của hai hãng hàng không Southwest và United đã chở thêm nhiên liệu đến các sân bay tại Nashville, Tennessee, Baltimore và một số nơi khác, phòng trường hợp nhiên liệu cạn kiệt.
Colonial Pipeline là công ty vận hành đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất tại Mỹ, cung cấp khoảng 45% lượng nhiên liệu ở Bờ Đông. Ngày 7/5, tin tặc đã sử dụng một loại mã độc để vô hiệu hóa hệ thống máy chủ của công ty này, sau đó yêu cầu một khoản tiền chuộc để mở khóa hệ thống.
Cuộc tấn công một lần nữa làm dấy lên lo ngại về lỗ hổng an ninh tại các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước Mỹ.