Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift. (Nguồn: AP) |
Các quốc gia ngày càng bị lôi cuốn vào việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp thay vì luật pháp quốc tế. Vì vậy, Đô đốc Scott Swift hối thúc các quốc gia Đông Nam Á tìm kiếm các biện pháp trọng tài để giải quyết tranh chấp hàng hải. Ông Scott Swift cho rằng, sau nhiều thập kỷ hòa bình và thịnh vượng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phải chứng kiến sự trở lại của xu hướng “sức mạnh là công lý”.
Ông Swift cho rằng, cả các bên có tuyên bố chủ quyền và không có tuyên bố chủ quyền đều đang nỗ lực tăng cường lực lượng hải quân, vượt xa mức cần thiết để phòng vệ.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 15/12, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu tuyên bố, nước này có kế hoạch tăng cường năng lực hàng hải của mình tại Biển Đông, cụ thể là tại khu vực quần đảo Natuna, nơi mà Indonesia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với tuyên bố “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Theo ông Ryamizard Ryacudu, Indonesia có kế hoạch triển khai một phi đội máy bay chiến đấu và 3 tàu hộ tống nhỏ tới các đảo, đồng thời tân trang lại căn cứ hải quân và không quân, từ đó tăng cường lực lượng quân đội. Indonesia hiện có khoảng 800 quân tại quần đảo Natuna. Năm 2016, con số này sẽ tăng lên khoảng 2.000 quân. “Điều này là hoàn toàn bình thường bởi duy trì an ninh là công việc của chúng tôi. Ít nhất, chúng tôi có thể kiểm soát bất cứ sự xâm phạm nào vào lãnh thổ, lãnh hải Indonesia, bao gồm cả việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp”, ông Ryamizard Ryacudu khẳng định.
Indonesia phản đối bản đồ “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc khi Bắc Kinh đệ trình bản đồ có nhiều điểm bất hợp lý này lên Liên hợp quốc trong tháng 5/2009. Thông qua kênh ngoại giao, Jakarta đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh làm rõ yêu sách “Đường 9 đoạn” nhưng cho tới nay nước này vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Hằng Phạm (theo Reuters, Jakarta Post)