Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ thông báo cho họ về việc có thể xin cấp lại thị thực dưới sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp Mỹ trong vòng 3 tháng. Đổi lại, bên nguyên sẽ phải rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Giới phân tích cho rằng thỏa thuận này không đảm bảo những người bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh cấm nhập cảnh có thể được nhận thị thực mới cũng như được bồi thường song nó buộc chính phủ phải hành động một cách "thiện chí" khi xử lý các hồ sơ. Hiện giới chức Bộ Tư pháp Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về việc này.
Các công dân Mỹ biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh đối với người Hồi Giáo. (Nguồn: CBC Radio) |
Trước đó, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ cùng Trung tâm Luật nhập cư quốc gia và Dự án Hỗ trợ người tị nạn quốc tế đã đệ đơn kiện lên tòa án sau khi chính quyền của Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh cấm những người có thị thực từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ.
Theo sắc lệnh, lực lượng chức năng sẽ cấm các công dân đến từ các nước này nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày và những người tị nạn trong vòng 120 ngày, gây ra tình trạng hỗn loạn tại các sân bay cũng như kéo theo hoạt động biểu tình phản đối tại nhiều thành phố lớn.
Do vấp phải sự phản đối của nhiều bang và các tổ chức, nên sắc lệnh này đã có sự điều chỉnh vào tháng 3, giảm số nước bị cấm nhập cảnh xuống còn 6. Sau đó, ngày 30/6, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết cho phép triển khai một phần sắc lệnh, trong đó có việc đình chỉ nhập cảnh 120 ngày vào Mỹ "đối với những cá nhân nước ngoài không chứng minh được quan hệ hợp pháp với một công dân hoặc một thực thể tại Mỹ".
Ngoài ra, Tòa án Tối cao Mỹ cũng đồng thời chấp thuận lắng nghe các lập luận từ phía Washington trong nhiệm kỳ tới của tòa, theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Donald Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có chấm dứt chương trình Tạm hoãn trục xuất những trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA) hay không.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều tin đồn về việc Tổng thống Trump có thể xóa bỏ chương trình này. DACA, được Tổng thống Barack Obama ban hành vào năm 2012, cho phép những trẻ em nước ngoài, được đưa đến Mỹ một cách bất hợp pháp trước 16 tuổi, được quyền ở lại Mỹ mà không phải lo lắng bị trục xuất khi học đại học, làm việc hay tham gia quân đội. Chính sách này được gia hạn 2 năm/lần.
Theo Bộ Nội vụ Mỹ đã có khoảng 800.000 trẻ em được cấp phép theo DACA và một số lượng tương tự cũng đã được phép gia hạn.