Theo The Hill, giới chức quốc phòng Mỹ đang thảo luận kế hoạch này với các đồng minh châu Âu và sẽ cắt giảm khoảng 14.000 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan trong vòng một vài tháng tới.
Theo kế hoạch, 8.600 binh sĩ châu Âu và Australia đồn trú tại Afghanistan sẽ được giao nhiệm vụ huấn luyện quân đội nước này, chuyển trọng tâm của lực lượng Mỹ sang các hoạt động chống khủng bố.
Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết, hiện chưa có kế hoạch nào được hoàn thành và chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang "xem xét tất cả các lựa chọn về số lượng và vị trí rút quân" ở Afghanistan.
Lầu Năm Góc tại Washington, D.C, Mỹ. (Nguồn: Getty Images) |
Các cuộc đàm phán cấp cao đã bắt đầu giữa các quan chức Mỹ và tổ chức Taliban tại văn phòng chính trị của tổ chức này ở Qatar vào ngày 25/2 vừa qua. Trong số những người tham gia đàm phán có Tướng Austin S. Miller, chỉ huy lực lượng liên minh ở Afghanistan.
Đây là các cuộc đàm phán cấp cao nhất từ trước đến nay giữa các quan chức Mỹ và Taliban, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tìm cách chấm dứt cuộc chiến tranh ở nước ngoài kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ.
Chính phủ Afghanistan hiện do Tổng thống Ashraf Ghani đứng đầu đã thông báo không tham gia các cuộc đàm phán đang diễn ra do sự hoài nghi của Taliban đối với chính phủ của ông.
Những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm rút quân Mỹ tại quốc gia này đã phải đối mặt với những lời chỉ trích trong quá khứ.
Năm ngoái, Tổng thống Trump đã gây bất ngờ cho các nhà lập pháp khi công bố kế hoạch chấm dứt sứ mệnh của Mỹ tại Syria và tuyên bố rằng tổ chức khủng bố IS đã bị đánh bại. Quyết định này dẫn đến sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và làm dấy lên sự chỉ trích từ nhiều đảng viên Cộng hòa.
Chính quyền Mỹ hồi đầu tháng này cho biết, họ có kế hoạch giữ 400 binh sĩ ở Syria vô thời hạn. Trong một bài phát biểu hôm 28/2, ông Ghani đã cảnh báo về khả năng xảy ra các cuộc tấn công được Taliban hậu thuẫn trong những ngày trước khi có thông báo thỏa thuận hòa bình.