📞

Mỹ đồng ý triển khai máy bay do thám đến Singapore

14:58 | 08/12/2015
Ngày 7/12, lần đầu tiên, Mỹ đã đồng ý triển khai máy bay do thám P8 Poseidon tới Singapore trong tháng này, trong một phản ứng mới đối với yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chào đón người đồng cấp Singapore tới Washington, ngày 7/12. (Nguồn: AP)

Trong Tuyên bố chung, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen hoan nghênh việc triển khai khai máy bay Mỹ đến Singapore, từ ngày 7-14/12.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông sau những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Lần triển khai này của Mỹ có khả năng sẽ khiến Trung Quốc tức giận và làm dấy lên mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Washington về vấn đề Biển Đông.

Washington đã tiến hành các hoạt động của máy bay P8 ở Nhật Bản và Philippines và thực hiện các chuyến bay giám sát từ nước láng giềng của Singapore là Malaysia.

Theo bản tuyên bố cho biết, việc triển khai máy bay P8 ở Singapore sẽ "thúc đẩy khả năng tương tác lớn hơn với các quân đội trong khu vực thông qua việc tham gia các cuộc tập trận song phương và đa phương, đồng thời với việc cung cấp sự hỗ trợ kịp thời cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và thiên tai (HADR) ở khu vực cũng như nỗ lực bảo đảm an ninh hàng hải".

Mỹ và Singapore có quan hệ hợp tác chặt chẽ về quốc phòng từ lâu và việc triển khai các máy bay do thám P8 là một phần trong Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường được ký kết bởi Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Thỏa thuận này còn bao gồm hợp tác các bên trong cuộc chiến chống khủng bố xuyên quốc gia và cướp biển.

Từ lâu, Washington đã chỉ trích hành động cải tạo đảo nhân tạo của Trung Quốc ở vùng tranh chấp quần đảo Trường Sa ở Biển Đông cũng như tiến hành tuần tra trên biển và hàng không gần đây.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các nước ngừng xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở khu vực biển đang có tranh chấp này. Ông nói rằng, Washington sẽ tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải của mình. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo này.

Washington cũng đã có nhiều bước đi nhằm xây dựng các mối quan hệ quốc phòng với các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Brunei.

Tháng trước, máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay gần một số hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc và vào cuối tháng Mười Một vừa qua, tàu khu trục tên lửa dẫn đường của nước này cũng đã đi lại trong khu vực 12 hải lý của một trong số những đảo mà Trung Quốc cải tạo. Trước đó, hồi tháng Năm, Hải quân Trung Quốc đã 8 lần đưa ra cảnh báo tới một máy bay do thám P8 của Mỹ vì bay gần các đảo nhân tạo này.

Minh Tuấn (theo Reuters)