📞

Mỹ dùng máy bay chiến đấu F-22 bắn tên lửa hạ khinh khí cầu ‘bay lạc’ của Trung Quốc

Hải An 06:40 | 05/02/2023
Chiều ngày 4/2, khinh khí cầu của Trung Quốc - đi ngang qua không phận Mỹ từ ngày 2/2 và gây ra căng thẳng mới trong quan hệ hai nước - đã bị máy bay chiến đấu bắn hạ ngoài khơi Carolina, trên Đại Tây Dương.
Vụ khinh khí cầu 'bay lạc' khiến quan hệ Mỹ-Trung Quốc thêm căng thẳng. (Nguồn: AP)

Trước đó, quan chức Mỹ đã khuyến cáo không nên bắn hạ khinh khí cầu trong lãnh thổ nước này do lo ngại các mảnh vỡ có thể gây hại cho người dân khi rơi xuống đất. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó tuyên bố với báo giới rằng Mỹ “sẽ xử lý” khí cầu này.

Một quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết, khinh khí cầu đã rơi xuống vùng biển ngoài khơi cách bờ biển bang South Carolina khoảng 6 hải lý. Máy bay chiến đấu F-22 đã bắn hạ khinh khí cầu này bằng một quả tên lửa không đối không AIM-9X và không gây thiệt hại hay thương vong cho dân thường.

Theo quan chức trên, khinh khí cầu đã tiến vào vùng nhận diện phòng không của Mỹ từ hôm 28/1 và bay sang Canada hôm 30/1 trước khi quay trở lại không phận Mỹ hôm 31/1 vừa qua.

Quan chức này cho biết, quả khinh khí cầu không phải làm nhiệm vụ nghiên cứu khí tượng như phía Trung Quốc tuyên bố mà thực chất là làm nhiệm vụ do thám các mục tiêu quân sự nhạy cảm của Mỹ. Đây là một phần của phi đội khinh khí cầu Bắc Kinh đã tiến hành hoạt động do thám trên không phận 5 châu lục.

Hiện quân đội Mỹ đang tìm cách trục vớt hàng hóa, thiết bị trên khinh khí cầu bị bắn rơi, đồng thời tiến hành các biện pháp đề phòng nhằm giảm thiểu nguy cơ bị lọt lộ bí mật khi nó bay qua các mục tiêu quân sự nhạy cảm.

Cùng ngày, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã yêu cầu ngừng hoạt động 3 sân bay và đóng cửa không phận các khu vực thuộc 2 bang Bắc Carolina và Nam Carolina, những nơi cuối cùng quan sát được khinh khí cầu của Trung Quốc trước khi vật thể này bay ra biển.

Trong khi truyền thông Mỹ gọi đây là “khí cầu gián điệp” và Ngoại trưởng Blinken tuyên bố hủy bỏ một chuyến thăm dự kiến tới Trung Quốc vì vụ việc này, Bắc Kinh luôn khẳng định đây chỉ là một khí cầu dân sự phục vụ nghiên cứu khoa học và bay lạc vào lãnh thổ Mỹ ngoài ý muốn.

(theo Reuters)