📞

Mỹ-EU yêu cầu Kosovo hành động về căng thẳng với Serbia nếu không muốn gánh 'hậu quả'

Hà Thu 10:22 | 08/06/2023
Ngày 7/6, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Kosovo hạ nhiệt căng thẳng với người Serbia ở miền Bắc của vùng lãnh thổ này, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả từ phương Tây.
Các binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO đứng gác ở tòa thị chính thị trấn Zvecan, Kosovo, ngày 5/6. (Nguồn: Reuters)

Lời cảnh báo được đưa ra khi các phái viên của Mỹ và EU kết thúc chuyến thăm tới Kosovo và Serbia để xoa dịu căng thẳng bùng phát thành bạo lực vào tuần trước, khiến hàng chục binh sĩ của lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và người biểu tình Serbia ở miền Bắc Kosovo bị thương.

Theo đặc phái viên Mỹ tại Tây Balkan Gabriel Escobar, Kosovo phải trao quyền tự trị nhiều hơn cho các thành phố có đa số người Serbia nếu muốn tiến gần hơn đến mục tiêu gia nhập NATO và EU.

Mỹ và EU cũng kêu gọi tổ chức những cuộc bầu cử địa phương mới ở miền Bắc Kosovo với sự tham gia của người Serbia và tạo điều kiện để vùng lãnh thổ này thực hiện thỏa thuận năm 2013 nhằm thành lập hiệp hội các đô thị của người Serbia và trao cho cộng đồng này nhiều quyền tự trị hơn.

Người Serbia - một cộng đồng mạnh ở Bắc Kosovo - đã tẩy chay cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 4, trong đó, các ứng cử viên người Albania giành được chức thị trưởng ở một số địa phương khu vực này.

Cộng đồng người Serbia yêu cầu chính quyền Kosovo không để các thị trưởng người Albania nhậm chức và phải cho phép chính quyền cũ của địa phương trở lại làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, ngày 26/5, cảnh sát Kosovo đã hộ tống 3 thị trưởng mới người Albania tới các tòa thị chính địa phương để nhậm chức khi nhiều người Serbia tụ tập trước những tòa nhà này để biểu tình phản đối, dẫn đến các cuộc đụng độ bạo lực giữa lực lượng chấp pháp và người dân.

Trong bối cảnh đó, cùng ngày 26/5, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã đặt quân đội nước này trong tình trạng báo động chiến đấu đầy đủ và ra lệnh cho các đơn vị di chuyển đến gần biên giới với Kosovo.

Mỹ, EU, NATO, Liên hợp quốc và nhiều quốc gia khi đó đã ngay lập tức lên tiếng nhằm nỗ lực xoa dịu tình hình.

(theo Reuters)