Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, theo kế hoạch, ông Lee Do-hoon cũng là Đặc phái viên Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, sẽ gặp ông Joseph Yun, Đại diện đặc biệt về chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, cùng những quan chức quan trọng khác liên quan đến vấn đề Triều Tiên.
Dự kiến, ông Lee sẽ chia sẻ đánh giá của Seoul về tình hình bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh giới chức cao cấp hai miền Triều Tiên tiến hành cuộc đàm phán đầu tiên sau hơn 2 năm.
Trưởng phái đoàn Hàn Quốc tham gia đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên Lee Do Hoon. |
Trước đó cùng ngày, ông Lee đã họp tại Seoul với Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Nhật Bản - Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Kenji Kanasugi.
Hai bên đã nhất trí mở rộng những nỗ lực ngoại giao theo hướng thúc đẩy để “đà tiến hòa bình” gần đây trên Bán đảo Triều Tiên có thể dẫn đến giải pháp tối ưu.
Tiến trình đàm phán 6 bên - gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ - đình trệ kể từ cuộc đàm phán lần gần đây nhất vào tháng 12/2008.
Cùng ngày, Người Phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera đã thảo luận về việc gia tăng sức ép đối với Triều Tiên để buộc chính quyền Bình Nhưỡng thay đổi đường lối.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng quốc phòng, người phát ngôn Dana White cho biết "Bộ trưởng Mattis và người đồng cấp Onodera đã lên án những hành động liều lĩnh và bất hợp pháp của Triều Tiên.
Hai bộ trưởng đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tăng cường sức ép để buộc Triều Tiên thay đổi đường lối, tránh những hành động khiêu khích và đe dọa, đồng thời đưa ra quyết định chiến lược về từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa".
Trong cuộc điện đàm, hai bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế và hợp tác với các đối tác đa quốc gia trong chiến dịch gây sức ép đối với Bình Nhưỡng.