📞

Mỹ: Kết thúc cuộc chiến cá da trơn

09:24 | 26/05/2016
Ngày 25/5 (giờ Việt Nam), với 55 phiếu thuận và 43 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn.
Thượng nghị sỹ John McCain nêu rõ tính chất trùng lặp, lãng phí, không cần thiết và bảo hộ thương mại của chương trình giám sát cá da trơn. (Nguồn: McCain twitter)

Đặc biệt, việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết của Thượng viện Mỹ gây chú ý vì diễn ra sau khi Tổng thống Obama kết thúc chuyến thăm tại Việt Nam - một nước xuất khẩu số lượng lớn cá da trơn sang thị trường Mỹ và cũng đồng thời có thái độ chỉ trích chương trình này.

Phe ủng hộ dự luật hủy bỏ nghị quyết đứng đầu là Thượng nghị sỹ John McCain đã nêu rõ tính chất trùng lặp, lãng phí, không cần thiết và bảo hộ thương mại của chương trình giám sát trên, nhấn mạnh nguy cơ gây tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hậu quả là các biện pháp trả đũa của các nước nhằm vào xuất khẩu nông sản của Mỹ.

Thượng nghị sĩ McCain đã cáo buộc Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là một nỗ lực trá hình nhằm bảo vệ các công ty cá da trơn ở miền Nam nước Mỹ trong cuộc cạnh tranh với các nhà xuất khẩu Việt Nam.

“Đây là loại chương trình ngăn cản những công dân làm việc chăm chỉ và nộp thuế đầy đủ không nhận được những gì họ xứng đáng có”, ông McCain nói.

Để có hiệu lực, nghị quyết này còn phải được Hạ viện Mỹ thông qua với số phiếu quá bán và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật. 

Trước đó, ngày 2/12/2015, USDA đã chính thức công bố các quy định mới nghiêm ngặt hơn đối với mặt hàng cá da trơn. Quy định mới này được các chuyên gia nhìn nhận sẽ tác động tới các nhà cung cấp nước ngoài cũng như các nhà sản xuất của Mỹ.

Giới quan sát nhận định các quy định mới một khi được áp đặt trước hết sẽ khiến các nhà sản xuất cá da trơn ở Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn vì phải chi thêm hàng triệu USD để tuân thủ những tiêu chuẩn mới.

Cá da trơn là một trong những loại cá phổ biến nhất của Mỹ. Các thị trường cá da trơn lâu năm chủ yếu thống trị bởi các nhà sản xuất Mỹ, tập trung ở các bang miền Nam như Alabama, Arkansas, Mississippi và Texas. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Mỹ nhập khẩu một số lượng đáng kể loại cá này từ châu Á vì giá cả cạnh tranh hơn.

Theo số liệu của USDA, trong vài năm qua, vì nhiều lý do, diện tích nuôi cá da trơn của Mỹ đã bị thu hẹp, từ khoảng 65.000 ha năm 2008 xuống chỉ còn một nửa, khoảng 23.000 ha. Các nhà sản xuất Mỹ nói rằng họ phải giảm diện tích nuôi cá vì giá ngô, nguồn thực phẩm chính để nuôi cá, trong vài năm qua tăng giá khá cao.

Năm 2008, để bảo vệ ngành sản xuất cá da trơn nội địa, Mỹ đã áp đặt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, áp thuế “bán phá giá” đối với mặt hàng cá da trơn nhập khẩu từ một số nước, trong đó có cá tra và cá basa nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngày 9/12/2015, các Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Kelly Ayotte đã trình Quốc hội Mỹ một nghị quyết mới đề nghị bãi bỏ các quy định mới đối với Chương trình Giám sát cá da trơn của USDA. Ông John McCain cho rằng chính quyền Tổng thống Obama không nên áp dụng chương trình trên bất chấp thực tế là Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã thực hiện các quy định về giám sát mặt hàng hải sản và Văn phòng Giải trình trách nhiệm của chính phủ (GAO) nhiều lần cảnh báo rằng Chương trình Giám sát cá da trơn của USDA sẽ lãng phí, trùng lặp và sẽ châm ngòi cho hành động đáp trả từ phía các đối tác thương mại châu Á-Thái Bình Dương nhằm vào các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ.

Bày tỏ ủng hộ quyết định của Thượng viện Mỹ, tờ Wall Street Journal đăng bài viết trên trang nhất với tiêu đề “Kết thúc cuộc chiến cá da trơn”, nêu rõ từ những năm 90 của thế kỷ trước, Thượng nghị sỹ Thad Cochran đã dùng nhiều thủ đoạn, gần đây nhất là đưa vào Luật Nông nghiệp 2014 điều khoản yêu cầu thiết lập Chương trình giám sát cá da trơn tại Bộ Nông nghiệp, nhằm ngăn chặn xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Bài báo cho rằng việc bãi bỏ chương trình này sẽ giúp tăng cường lòng tin đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ về thương mại tại châu Á.

(theo AP, Wall Street Journal )