Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là đường ống trị giá 10 tỷ Euro (11 tỷ USD) gần như sắp hoàn thiện dưới Biển Baltic. (Nguồn: TASS) |
Phát biểu trên báo Handelsblatt của Đức ngày 5/12, quyền Đại sứ Mỹ tại Đức Robin Quinville nhấn mạnh: "Đã đến lúc Đức và EU cần áp đặt lệnh cấm xây dựng đường ống... Đây không chỉ là một dự án kinh tế, mà còn là công cụ chính trị mà Điện Kremlin sử dụng để né tránh Ukraine và gây chia rẽ châu Âu".
Theo bà Quinville, việc ngừng dự án sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Nga rằng châu Âu không còn muốn chấp nhận "cách hành xử ác ý" của Nga đối với châu Âu.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là đường ống trị giá 10 tỷ Euro (11 tỷ USD) gần như sắp hoàn thiện dưới Biển Baltic, và được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên vận chuyển từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Từ lâu, Mỹ đã chỉ trích các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, đồng thời ban bố các biện pháp trừng phạt liên quan dự án trên. Dự án đã bị đình lại khoảng một năm trước, song việc xây dựng sẽ được tiếp tục vào cuối tuần này.
Trên thực tế, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 cũng vấp phải nhiều sự phản đối ở châu Âu, đặc biệt là Ba Lan và các nước Baltic không tin tưởng vào mối quan hệ năng lượng giữa Berlin và Moscow, đồng thời lo ngại dự án sẽ khiến châu Âu phụ thuộc hơn vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Dự án hiện chỉ còn khoảng 6% trong tổng chiều dài 1200 km của đường ống còn dang dở.
Ngoài tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga, các công ty quốc tế tham gia dự án bao gồm nhiều "ông lớn" của châu Âu như Wintershall và Uniper của Đức, Shell của Anh và Hà Lan, Engie của Pháp và OMV của Áo.