Nhiều năm nay, kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn trong các giao dịch với Mỹ. Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Global Times) |
Động thái mới trong cuộc chiến âm ỉ
Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, nhằm bảo vệ an ninh và quyền lợi quốc gia, từ đầu tháng 8/2023, những lô gallium và germanium xuất khẩu cần phải có giấy phép của nhà nước và thông báo rõ “điểm đến sau cùng” và “mục đích sử dụng”.
Hai kim loại nói trên không thuộc dòng 17 kim loại hiếm nhưng lại là những hợp chất thiết yếu để sản xuất chất bán dẫn.
Tin liên quan |
Mỹ nỗ lực hồi sinh mỏ đất hiếm để 'trả đòn' Trung Quốc, cuộc chiến đất hiếm giữa 2 siêu cường vẫn chưa bao giờ 'hạ nhiệt' |
Gallium được dùng để sản xuất chip có độ truyền dẫn cao, rất cần để chế tạo vệ tinh. Còn hợp chất germanium là vật liệu không thể thiếu để chế tạo ống kính camera hồng ngoại, hay sợi cáp quang.
Thế giới phụ thuộc đến 60% vào gallium Trung Quốc và 80% đối với germanium.
Nhận định về quyết định của Trung Quốc, chuyên gia Carl Grekou thuộc Trung tâm Nghiên cứu về triển vọng kinh tế và thông tin quốc tế (CEPII), đây chỉ là một động thái mới trong một cuộc chiến đã âm ỉ từ lâu nay.
Kể từ năm 2018, quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu xấu đi. Trung Quốc đã nhiều lần đề cập đến lá bài kim loại hiếm và lần này, lời đe dọa đó đã thành hiện thực.
Dù vậy, các chuyên gia lưu ý về thời điểm mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đưa ra quyết định "phản công".
Thứ nhất, quyết định trên được đưa ra trước chuyến công du Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhằm khai thông bế tắc giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Thứ hai, từ nhiều tuần qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã siết chặt thêm các biện pháp hạn chế xuất khẩu linh kiện bán dẫn cho Trung Quốc. Washington đồng thời thuyết phục các đồng minh, đứng đầu là Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, Hàn Quốc hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của các doanh nghiệp Bắc Kinh.
Thứ ba, chính quyền của ông Biden liên tục vận động các nhà sản xuất chip của thế giới đầu tư vào Mỹ. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thuyết phục được Hà Lan và Nhật Bản.
Chuyên gia Grekou nhận định, từ nhiều năm nay, kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn trong các giao dịch với Mỹ. Bắc Kinh đang cần nâng cấp giá trị gia tăng trong sản xuất và rồi bị Mỹ “cản đường” phát triển công nghệ.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Vấn đề trên chính là tâm điểm của mọi căng thẳng về thương mại song phương. Nhiều công ty của Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen nên không thể tiếp cận với một số chip điện tử hiện đại nhất. Cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng bị giới hạn khi cần trang bị máy móc sản xuất chip bán dẫn".
Trung Quốc vẫn chiếm thế gần như độc quyền trên thị trường đất hiếm. (Nguồn: Reuters) |
Chỉ là "khúc dạo đầu"
Hầu hết giới quan sát đều xem phản ứng của Trung Quốc mới chỉ là “khúc dạo đầu” trong chiến lược "phản công" tại cuộc chiến công nghệ.
Chuyên gia Grekou phân tích, gallium và germanium được sử dụng để chế tạo nhiều sản phẩm nhưng không nên chỉ tập trung vào hai kim loại hiếm đó. Trung Quốc là nhà sản xuất số 1 trên thế giới đối với 80-95% nguyên liệu thiết yếu cho các công nghệ của tương lai, bao gồm lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, không gian, pin điện Mặt Trời hay những công nghệ cần thiết trong tiến trình chuyển đổi năng lượng.
Ông nói: "Lần này, họ nhắm vào hai chất gallium và germanium, nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Nếu như quan hệ Washington-Bắc Kinh không được cải thiện, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng danh sách các sản phẩm cấm xuất khẩu, bao gồm cả đất hiếm. Hệ quả kèm theo là hàng loạt các mảng công nghiệp liên quan đến những lĩnh vực vừa nêu, như quốc phòng, năng lượng sẽ gặp khó khăn khi mất các nguồn cung cấp nguyên liệu".
Đất hiếm rất cần thiết cho các sản phẩm tiêu dùng công nghệ cao như điện thoại thông minh và thiết bị quân sự như hệ thống radar. Đất hiếm tạo thành một nhóm gồm 17 nguyên tố, trong đó có scandium, yttrium và lanthanides.
Ông Luisa Moreno, Chủ tịch của công ty khai khoáng Defense Metals Corp nói: “Trung Quốc kiểm soát hơn 85% sản lượng đất hiếm của thế giới. Năm 2010, Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau tranh chấp lãnh thổ. Bắc Kinh cũng đã cảnh báo ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Washington vào năm 2019. Tác động từ các biện pháp hạn chế kim loại không lớn trong thời gian ngắn, nhưng nếu Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế đối với các vật liệu quan trọng khác như đất hiếm, đó sẽ là một vấn đề dài hạn hơn”.
Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các kim loại hiếm có thể sẽ thúc đẩy một số quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Stewart Randall của công ty tư vấn Intralink có trụ sở tại Thượng Hải nhấn mạnh: “Đây có thể là hồi chuông cảnh tỉnh cho một số quốc gia. Họ sẽ dần dần xây dựng cơ sở sản xuất ở nơi khác”.
| Đối với các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Microsoft, Tesla... Trung Quốc vẫn là thị trường không thể thiếu, dù căng ... |
| Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Thương chiến Mỹ-Trung Quốc sẽ đi về đâu, còn khắc nghiệt hơn chăng? Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc bùng nổ từ năm 2018 tới nay chưa hạ nhiệt và ngày càng có dấu hiệu leo thang. Tương ... |
| Trung Quốc muốn xây dựng quan hệ ‘hòa hợp’ với Mỹ Ngày 12/7, Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong đã gặp Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ely Ratner tại Washington D.C. (Mỹ) để thảo ... |
| Thị phần xuất khẩu máy tính cá nhân của Apple tăng, Nga sắp thử nghiệm đồng Ruble kỹ thuật số, doanh nghiệp châu Âu lo ... |
| Đất hiếm: 'Lá bài chiến lược' đang làm gia tăng cạnh tranh sức mạnh quốc gia Đất hiếm đang được các cường quốc sử dụng như một vũ khí chiến lược trong cạnh tranh gia tăng sức mạnh quốc gia. |