Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert khẳng định, quyết định trên của Washington sẽ không làm giảm bớt các cam kết của Mỹ đối với các mục tiêu chiến lược tại Syria.
Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Trung Đông David Satterfield nêu rõ, trong tương lai Mỹ sẽ không hỗ trợ tái thiết cho Syria nếu không có sự xác nhận của LHQ về "quá trình chuyển đổi chính trị không thể đảo ngược" tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh “đóng băng” khoản kinh phí 230 triệu USD dành cho tái thiết Syria. (Nguồn: AP) |
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh “đóng băng” khoản kinh phí 230 triệu USD dành cho tái thiết Syria, sau khi ông tuyên bố muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Đông này.
Ngày 17/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đang chuyển hướng sử dụng khoản kinh phí này cho các mục tiêu đối ngoại ưu tiên khác, tuy nhiên kinh phí ổn định tình hình Syria sẽ được bù đắp bằng khoản tiền 300 triệu USD do các nước đối tác trong liên minh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cung cấp, trong đó Saudi Arabia cam kết hỗ trợ 100 triệu USD. Các khoản đóng góp của các nước đối tác được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Trump để chia sẻ chi phí cho việc tái thiết Syria và bảo vệ các thành quả đạt được trong cuộc chiến chống IS.
Động thái rút tài trợ của Mỹ được cho là một dấu hiệu Washington đang dần tính toán chấm dứt sự can dự cũng như giảm cam kết của Mỹ tại Syria. Hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ ngừng cấp kinh phí cho các chương trình ổn định ở khu vực Tây Bắc Syria khi IS gần như đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi khu vực này.
Liên quan tình hình Syria, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo tại tỉnh Idlib, nơi đang hình thành một chiến trường lớn.
Trong một cuộc điện đàm ngày 17/8, hai nhà lãnh đạo đã cảnh báo về “những rủi ro nhân đạo” ở Idlib, đồng thời kêu gọi thực hiện một giải pháp chính trị toàn diện để đạt được hòa bình lâu dài trong khu vực.
Tỉnh Idlib là vùng lãnh thổ lớn nhất của Syria vẫn do phe nổi dậy kiểm soát kể từ năm 2015. Khoảng 60% diện tích của tỉnh này hiện do liên minh thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS) kiểm soát và phần còn lại do các nhóm đối lập chiếm giữ. Tổng thống Syria Bashar al-Assad mới đây tuyên bố, khu vực này sẽ là mục tiêu ưu tiên tiếp theo của quân chính phủ.
Phát biểu với báo giới cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề cập khả năng tổ chức một cuộc gặp 4 bên về tình hình Syria, với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Đức.
Theo bà Merkel, ý tưởng trên do Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cũng cho biết, chưa ấn định được thời gian cụ thể, vì đây là một cuộc gặp mang ý nghĩa lớn, nên cần có sự chuẩn bị tốt. Các cố vấn của lãnh đạo 4 nước trên sẽ nghiên cứu để quyết định xem liệu có tổ chức một cuộc gặp như vậy hay không.
Dự kiến, cuộc khủng hoảng Syria cũng là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày hôm nay (18/8) ở thủ đô Berlin.