📞

Mỹ không kích Syria: “Cơn ác mộng” đã được báo trước

17:34 | 14/04/2018
Dù không có nạn nhân thiệt mạng, dù các bên cố tình phát động chiến tranh rồi lại bí mật báo trước để đối phương chủ động kiểm soát tình hình, nhưng cuộc chiến đã leo thang trở thành chiến tranh thật sự, chứ không còn chỉ là “võ mồm” như trước.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi phía Mỹ tuyên bố kết thúc đợt tấn công đầu tiên vào Syria, dư luận trái chiều từ các nước lại một phen sôi sục.

Theo tin từ ReutersSputnik News, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, Nga đã được thông báo trước khi liên quân do Mỹ cầm đầu tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào một trung tâm nghiên cứu hóa học quan trọng của Syria, cùng 2 cơ sở khác.

Kiểm soát “cơn ác mộng”

Theo nguồn tin trên, phát biểu với báo giới cùng Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Parly nói: "Chúng tôi không mong đợi sự đối đầu và bác bỏ bất kỳ lý do nào biện minh cho sự leo thang. Đó là lý do chúng tôi cùng các đồng minh đã đảm bảo việc Nga đã được cảnh báo trước". Bà Parly cũng cho biết, quân đội Pháp đã phóng nhiều tên lửa hành trình trong cuộc tấn công này. Giải thích cho việc tham gia của nước này trong cuộc tấn công, Ngoại trưởng Le Drian nhấn mạnh các cuộc tấn công của Pháp tại Syria là nhằm ngăn chặn chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vi phạm nhân quyền, chứ không nhằm vào những đồng minh của Syria là Nga và Iran.

Tiếp sau đó, tờ al-Ahram của Ai Cập dẫn nguồn tin từ Damascus cho biết, Nga đã thông báo trước với Chính phủ Syria về khả năng Mỹ tấn công ngày 14/4. Hiện tại, Chính phủ Syria đang xác định quy mô thiệt hại. Có thông tin rằng, nhờ nhận được lời cảnh báo trước nên vài ngày qua, chính quyền Syria đã kịp sơ tán đa số các cơ sở quân sự.

Hệ thống phòng không Syria bắn hạ tên lửa phương Tây trên bầu trời Damascus. (Nguồn: Phuket News)

Cũng theo nguồn tin trên, Mỹ, Anh và Pháp đã bắn khoảng 30 quả tên lửa vào lãnh thổ Syria, song 1/3 trong số này đã bị đánh chặn. Còn theo Bộ Quốc phòng Nga, khoảng trên 100 quả tên lửa có cánh và tên lửa không đối đất đã được Mỹ và đồng minh phóng nhằm vào các căn cứ quân sự và dân sự của Syria.

Có lẽ bởi vậy nên dù chịu đựng gần hai tiếng đồng hồ dưới sự oanh tạc của các máy bay và tàu chiến của Mỹ cùng Lực lượng không quân Anh và Pháp (từ 3h42 đến 5h10 phút (giờ Moscow, khoảng 7h42 phút đến 9h10 phút giờ Hà Nội) nhưng thương vong và thiệt hại tại Syria được giảm thiểu đáng kể. Đặc biệt, theo thông tin từ Bộ Quốc Phòng Nga, nhất là không có bất cứ tên lửa có cánh nào được Mỹ và đồng minh bắn vào khu vực do các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga kiểm soát ở các căn cứ Hmeymim và Tartus.

Thậm chí, hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) dẫn nguồn tin từ Damascus cho biết các tên lửa do Mỹ, Pháp và Anh phóng vào Syria không đánh trúng tất cả các mục tiêu do bị hệ thống phòng không của nước này đánh chặn.

Iran - Nga lên tiếng cảnh báo

Các hãng tin Reuters, AFP đưa tin Bộ Ngoại giao Iran đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công do Mỹ đứng đầu nhằm vào Syria. Truyền thông Iran dẫn thông cáo của bộ trên có đoạn: "Rõ ràng, Mỹ và đồng minh - thực hiện hành động quân sự nhằm vào Syria mặc dù không có bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào - sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả đối với khu vực và xuyên khu vực của hành động phiêu lưu này".

Giới chức Iran cho rằng, các thế lực phương Tây đang sử dụng vụ việc nghi là tấn công hóa học như một cái cớ phá hoại những thắng lợi trên chiến trường của chính quyền Damascus trong thời gian gần đây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AP)

Trong phát biểu mới nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kịch liệt lên án cuộc tấn công quân sự của Mỹ và hai đồng minh Anh, Pháp, nhấn mạnh bước đi này sẽ "khiến thảm họa nhân đạo tại Syria thêm tồi tệ". Ông cảnh báo cuộc tấn công này sẽ gây thêm đau khổ cho người dân, tạo cơ hội cho những phần tử khủng bố trỗi dậy - những kẻ vốn đã gieo rắc đau khổ cho người dân Syria trong suốt 7 năm qua, và kích động một làn sóng di cư mới từ quốc gia Trung Đông này.

Nhà lãnh đạo Nga cũng tái khẳng định Moscow chưa tìm thấy bằng chứng về một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma hồi cuối tuần trước. Ông chỉ trích cuộc tấn công của các cường quốc phương Tây được tiến hành "mà không chờ đợi các kết quả của cuộc điều tra". Theo Tổng thống Putin, cuộc tấn công này sẽ "có tác động tiêu cực đối với toàn thể hệ thống quan hệ quốc tế".

Không chỉ vậy, cùng ngày, phong trào Hezbollah đã lên án mạnh mẽ các cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào đồng minh Syria. Thông báo của phòng trào này có đoạn: "Cuộc chiến của Mỹ chống Syria, cũng như chống người dân và phong trào kháng chiến của khu vực (Trung Đông), sẽ không đạt được mục đích".

Nhiều nước đồng minh Mỹ ủng hộ

Bất chấp sự phản đối của Iran và Nga, nhiều quốc gia đồng minh vẫn lên tiếng ủng hộ Mỹ.

Tại khu vực Trung Đông, ngày 14/4, Bộ trưởng Nhà ở và Xây dựng Israel Yoav Gallant cho rằng các cuộc tấn công do Mỹ đứng đầu tại Syria vừa qua là "một tín hiệu quan trọng" đối với Iran, Syria và phong trào Hezbollah tại Liban. Trên mạng xã hội Twitter, ông Gallant nêu rõ: "Việc sử dụng vũ khí hóa học vượt qua ranh giới đỏ mà nhân loại không còn có thể tha thứ".

Ở châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này ủng hộ quyết định của Mỹ, Anh và Pháp. Ông Abe nói: "Chúng tôi ủng hộ quyết tâm của Mỹ, Anh và Pháp không cho phép sử dụng vũ khí hóa học". Ông cho hay, Chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia trong ngày 14/4 về vấn đề này.

Người dân Damascus đổ ra đường để phản đối cuộc không kích.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, thông báo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ có đoạn: "Chúng tôi hoan nghênh chiến dịch này, giúp xoa dịu lương tâm của nhân loại trong việc đối phó với vụ tấn công tại Douma mà đa số nghi ngờ do chính quyền Syria thực hiện".

Thổ Nhĩ Kỳ là nước chỉ trích chính quyền Syria và ủng hộ phe nổi dậy chiến đấu nhằm lật đổ Tổng thống al-Assad. Trong những tháng gần đây, Ankara đã hợp tác chặt chẽ với Nga để tìm kiếm một giải pháp chính trị tại Syria, mặc dù Moscow duy trì quan hệ đồng minh với Damascus.

Ở châu Âu, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cho biết, Liên minh Châu Âu (EU) ủng hộ Mỹ, Pháp và Anh tiến hành các cuộc không kích chống chính quyền Syria để đáp trả việc vụ tấn công hóa học tại Douma.

Ông nhấn mạnh các cuộc tấn công của Mỹ, Pháp và Anh đã chỉ ra rằng chính quyền Syria cùng với Nga và Iran không thể tiếp tục gây ra những thảm họa cho người dân mà không phải trả giá. EU sẽ đứng chung với các đồng minh của mình về phía công lý. Cùng ngày trên Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học là không chấp nhận trong mọi trường hợp và phải bị lên án mạnh mẽ. Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm xác định và đưa ra trách nhiệm cho những người gây ra cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: "Hành động quân sự là cần thiết và thích hợp để bảo vệ hiệu quả của lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời là sự cảnh báo đối với chế độ cầm quyền ở Syria về những hậu quả nếu họ tiếp tục vi phạm".

Theo bà, nước này ủng hộ hành động của các đồng minh Mỹ, Anh và Pháp đối với Syria, với tư cách là các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Pháp đang đứng trung lập

Ngày 14/4, sau khi Bộ Quốc Phòng Pháp cho biết nước này đã phóng tên lửa hành trình từ các tàu khu trục tại Địa Trung Hải và đã triển khai máy bay chiến đấu từ các căn cứ trong khuôn khổ chiến dịch tấn công của nước này nhằm vào Syria, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian lại có thái độ “xoa dịu” tình hình khi cho biết Paris muốn ngay lập tức bắt tay vào việc nối lại tiến trình chính trị tại Syria để chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Ngoại trưởng Le Drian nói: "Cần tìm ra một kế hoạch để chấm dứt cuộc khủng hoảng này, thông qua một giải pháp chính trị. Chúng tôi sẵn sàng hành động ngay bây giờ với tất cả các nước muốn tham gia".

(tổng hợp)