Đại diện quốc phòng Mỹ và Maldives đã ký thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng và an ninh tại thành phố Philadelphia (Mỹ) ngày 10/9. (Nguồn: The Wire) |
Lầu Năm Góc thông báo: "Thỏa thuận khung nêu rõ mong muốn của cả hai nước nhằm tăng cường hợp tác trong việc hỗ trợ duy trì hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác quốc phòng".
Trong các cuộc thảo luận sau khi ký thỏa thuận, Bộ trưởng Quốc phòng Maldives Mariya Didi cho biết, thỏa thuận sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước. Theo Bộ trưởng Didi, Chính phủ Maldives coi thỏa thuận với Mỹ là một "cột mốc quan trọng" trong hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước.
Thỏa thuận khung giữa Mỹ và Maldives đã vạch ra nhiều hoạt động song phương, bao gồm đối thoại cấp cao, thảo luận, hợp tác và tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực như nâng cao nhận thức về biển, thiên tai và hoạt động cứu trợ nhân đạo. Hai bên cũng nhất trí phối hợp để lên kế hoạch tổ chức Đối thoại Quốc phòng và An ninh đầu tiên.
Cả Mỹ và Maldives đều tái khẳng định cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng của tất cả quốc gia trong khu vực. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm nhiều vùng biển và eo biển kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Ngày 14/9, Ấn Độ đã hoan nghênh thỏa thuận quốc phòng này. Trang mạng The Hindu đưa tin, các nguồn tin Chính phủ cho biết, các lĩnh vực hợp tác rộng lớn mà Mỹ và Maldives ký phù hợp với lợi ích chung của Ấn Độ và sự ổn định của khu vực.
Một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết, Đại sứ quán Ấn Độ ở Male đã được thông báo tóm tắt về các cuộc đàm phán và đã được xem một bản sao của văn bản dài hai trang vừa được ký kết.
The Hindu đánh giá, việc Ấn Độ hoan nghênh thỏa thuận Mỹ-Maldives cho thấy sự gần gũi hàng hải ngày càng tăng giữa New Delhi và Washington. Đây là thỏa thuận đầu tiên mà Male từng ký với nước khác ngoài Ấn Độ.
Trong quá khứ Ấn Độ luôn phản đối cả Mỹ cũng như Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chiến lược đến khu vực này của Ấn Độ Dương, vốn được Ấn Độ coi là vùng ảnh hưởng của mình.