Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bất ngờ có chuyến thăm Kiev, gặp gỡ người đồng cấp chủ nhà Volodymyr Zelensky ngày 20/2. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Ukraine) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Tổng thống Mỹ bất ngờ thăm Kiev: Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bất ngờ có chuyến thăm tới thủ đô Kiev. Phát biểu trong hội đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, ông cho biết Washington sẽ cung cấp cho nước chủ nhà gói viện trợ quân sự mới 500 triệu USD, bao gồm đạn cho các Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS) Ukraine sở hữu cùng nhiều loại khác, hệ thống chống thiết giáp và các radar giám sát trên không. Nhà Trắng cho biết ông Biden cũng công bố thêm trừng phạt với Nga.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hai bên đã thảo luận về vũ khí tầm xa. Viết trên Telegram, nhà lãnh đạo này khẳng định chuyến thăm của người đồng cấp Mỹ là một “dấu hiệu ủng hộ cực kỳ quan trọng đối với tất cả người dân Ukraine” và đăng tải một bức ảnh hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau.
Trước đó, truyền thông quốc tế đưa tin trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu ngày 20-23/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xuất hiện tại Kiev, dù ông từng tuyên bố không có kế hoạch tới đây. Các bức ảnh được công bố cho thấy nhà lãnh đạo này đã gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ở Nhà thờ Mikhailovsky.
Chuyến thăm của ông Biden tới Ukraine diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine sắp tròn một năm và ngày mai (21/2), Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị có bài phát biểu quan trọng. Dự kiến, nhà lãnh đạo xứ bạch dương sẽ đặt ra các mục tiêu của Moscow trong năm thứ hai của “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
* Tổng thống Zelensky: Nga không có cơ hội chiến thắng ở Ukraine: Ngày 20/2, phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Joe Biden vừa chuyến thăm bất ngờ tới Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh: “Đây là tín hiệu rõ ràng rằng Nga sẽ không có cơ hội chiến thắng ở Ukraine”. Nhà lãnh đạo này nêu rõ: “Cùng nhau, chúng ta sẽ bảo vệ các thành phố, người dân của chúng ta khỏi hành động của Nga”.
Trong khi đó cùng ngày, trang mạng quân sự của Nga đưa tin các đơn vị của công ty quân sự tư nhân Wagner đã tiến đến làng Yagodnoe. Điểm dân cư này nằm ở phía Nam đường nối Bakhmut với Slavyansk và khá quan trọng đối với cuộc tấn công tiếp theo.
Ngoài ra, nút giao thông đường sắt nối giữa Paraskovievka và Bakhmut cũng nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga. Hiện các lực lượng của Wagner đang giao tranh ở khu vực Berkhovka, nơi có hồ chứa nước Berkhovskoe vốn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho khu vực này. (AFP)
* Đức hoan nghênh Tổng thống Mỹ thăm Ukraine: Phát biểu tại họp báo ngày 20/2, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit đã gọi chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden là “tín hiệu tốt”, song từ chối bình luận thêm. Đồng thời, quan chức này cũng xác nhận Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington D.C. vào ngày 3/3. Khi được hỏi liệu chuyến thăm có được lên kế hoạch để Berlin và Washington có thể phối hợp cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không, ông Hebestreit cho hay các cuộc thảo luận diễn ra “liên tục”, khẳng định đó không phải là trọng tâm của chuyến công du tháng 3. (Reuters)
* Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraine: Ngày 20/2, phát biểu tại một hội nghị chuyên đề ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã cam kết cung cấp khoản hỗ trợ tài chính bổ sung 5,5 tỷ USD cho Ukraine. Trước đó, ông cho biết Nhật Bản dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trực tuyến vào ngày 24/2, kỷ niệm một năm ngày Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến tham dự sự kiện này. (Kyodo)
* EU kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp vũ khí cho Ukraine: Ngày 20/2, phát biểu trước buổi họp các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nói: “Đó là vấn đề cấp bách nhất. Nếu chúng ta thất bại trong việc đó, kết quả sẽ rất nguy hiểm… Mỗi ngày, pháo binh Nga bắn 50.000 phát đạn và Ukraine cần có năng lực tương đương. Quân đội Ukraine có súng đại bác nhưng lại thiếu đạn”. (Reuters)
* Ông Vương Nghị sẽ thảo luận về Ukraine tại Nga: Tờ Kommersant (Nga) cho biết ngày 20/2, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã tới Moscow và dự kiến sẽ thảo luận với các quan chức Nga về tình hình tại Ukraine. Báo trên cho hay: “Mục đích chính trong chuyến đi của ông Vương Nghị là tăng cường vai trò của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề Ukraine”.
Trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 59, ông Vương Nghị đã cáo buộc Mỹ vi phạm các quy tắc quốc tế với hành vi “cuồng loạn” khi bắn rơi khinh khí cầu của Trung Quốc. Quan chức này nhắc lại lời kêu gọi đối thoại và đề nghị các nước châu Âu “bình tĩnh suy xét” về cách thức chấm dứt xung đột. Ông cho rằng “một số lực lượng dường như không muốn các cuộc đàm phán thành công hoặc không muốn xung đột sớm kết thúc”, song không nêu đích danh.
Hôm 17/2, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có “bài phát biểu về hòa binh” vào ngày 24/2, thời điểm tròn một năm xung đột Nga-Ukraine bùng phát. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
1 năm xung đột Nga-Ukraine: Moscow có vẻ ổn nhờ ‘chiêu’ cao tay này, Kiev tổn thất nặng, dân nghèo toàn cầu lao đao vì khủng hoảng kép |
Mỹ-Trung
* Trung Quốc bác cáo buộc của Mỹ về cấp vũ khí cho Nga: Ngày 20/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc đang không ngừng chuyển vũ khí đến thực địa. Chúng tôi kêu gọi Mỹ nghiêm túc suy nghĩ về hành động của mình và làm nhiều hơn để xoa dịu tình hình, thúc đẩy hòa bình và đối thoại, ngừng đổ lỗi và lan truyền thông tin sai lệch”. Ông nói thêm: “Cộng đồng quốc tế biết rõ ai đang kêu gọi đối thoại và đấu tranh cho hòa bình, ai đang đổ thêm dầu vào lửa và khuyến khích sự chống đối”.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong cuộc trả lời phỏng vấn CBS (Mỹ), nói Trung Quốc hiện đang “xem xét hỗ trợ vũ khí sát thương” cho Moscow. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc |
Đông Nam Á
* Thái Lan và Myanmar mở lại cửa khẩu: Ngày 20/2, Thái Lan và Myanmar đã mở lại cửa khẩu Mae Sai-Tachileik và cầu hữu nghị Thái Lan-Myanmar nối tỉnh Chiang Rai, Thái Lan với tỉnh Tachileik của Myanmar sau gần 3 năm đóng cửa do dịch Covid-19. Phó Tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai Somwang Boonrayong cho biết việc mở lại trạm kiểm soát sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Thái Lan-Myanmar.
Cửa khẩu được mở cửa từ 6h30 đến 18h30 hàng ngày, tuy nhiên giờ đóng cửa trong một tháng tới sẽ được kéo dài đến 21h00. Hành khách muốn đi từ Thái Lan sang tỉnh Tachileik của Campuchia có thể nộp đơn xin giấy thông hành tại Văn phòng huyện Mae Sai hoặc nộp các giấy tờ liên quan tại trạm kiểm soát xuất nhập cảnh ở Chiang Rai kèm theo bản sao kết quả xét nghiệm Covid-19. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Thái Lan kỳ vọng dự án ThailandCONNEX kết nối du lịch, tạo thêm hơn 120 tỷ Baht cho nền kinh tế |
Đông Bắc Á
* Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc công du Nhật Bản: Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thông báo Thứ trưởng bộ này Tôn Vệ Đông sẽ công du Nhật Bản vào ngày 21/2 để dự đối thoại an ninh Trung Quốc-Nhật Bản lần thứ 17 và tham vấn ngoại giao thường kỳ lần thứ 29 với Thứ trưởng cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shigeo Yamada. Hai bên sẽ trao đổi sâu rộng về quan hệ song phương, chính sách quốc phòng và an ninh cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. (Tân Hoa xã)
* Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu về đề nghị bắt giữ Chủ tịch đảng DP đối lập chính: Ngày 20/2, Các đảng cầm quyền và đối lập chính ở Hàn Quốc đã thông qua việc bỏ phiếu về đề nghị bắt giữ đối với ông Lee Jae Myeong, Chủ tịch Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính tại phiên họp toàn thể tổ chức ngày 27/2.
Trước đó, theo một quan chức của đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền, đại diện đảng PPP tại Quốc hội Joo Ho Young và người đồng chức thuộc đảng đối lập DP Park Hong Keun một ngày trước đó đã nhất trí về lịch trình xử lý dự thảo đề nghị bắt giữ Chủ tịch đảng Lee Jae Myung. Dự thảo sẽ được báo cáo lên phiên họp toàn thể Quốc hội ngày 24/2 và tiến hành biểu quyết vào ngày 27/2.
Trước đó, trong tin nhắn gửi đến các nghị sĩ đảng DP và ông Joo Ho Young, một quan chức đảng đối lập đã kêu gọi toàn bộ đảng viên sắp xếp lịch trình hoạt động tại các khu vực bầu cử để tham gia đầy đủ trong phiên họp chính thức ngày 27/2, thời điểm biểu quyết về “các vấn đề quan trọng”. Nếu hơn 50% số nghị sĩ Quốc hội tham dự bỏ phiếu và số phiếu tán thành quá bán thì Tòa án sẽ tiến hành bắt giữ bị cáo, trường hợp ngược lại thì lệnh bắt giam sẽ bị bác bỏ. Hiện tại đảng DP đối lập đang chiếm đa số trong Quốc hội Hàn Quốc. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Hàn Quốc họp khẩn sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa, tuyên bố lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng |
Châu Âu
* Nga thừa nhận quan hệ căng thẳng với Moldova: Ngày 20/2, Điện Kremlin cho biết quan hệ của nước này với Moldova hiện rất căng thẳng. Moscow cũng cáo buộc lãnh đạo Moldova đang theo đuổi một chương trình nghị sự chống Nga.
Trước đó, ngày 13/2, Tổng thống Moldova Maia Sandu đã cáo buộc Nga lên kế hoạch sử dụng những kẻ phá hoại nước ngoài để hạ bệ ban lãnh đạo nước này, ngăn Moldova gia nhập EU và lợi dụng Chisinau trong xung đột với Ukraine. Nga đã bác bỏ các cáo buộc và cho rằng đó là đồn đoán “vô căn cứ và vô lý”. (Reuters)
* EU cảnh báo Trung Quốc về kế hoạch cung cấp vũ khí cho Nga: Ngày 20/2, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết ông đã trao đổi với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị: “Đối với chúng tôi, đó sẽ là lằn ranh đỏ trong mối quan hệ giữa hai bên. Ông ấy nói Trung Quốc sẽ không làm điều đó và không có kế hoạch làm điều đó. Nhưng chúng tôi sẽ vẫn cảnh giác”. (AFP)
* Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất: Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Ankara ngày 20/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ “chừng nào còn cần thiết”. Theo ông Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng khẳng định ủng hộ chủ quyền của Ukraine là rất quan trọng: “Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý về tất cả mọi vấn đề nhưng đó là mối quan hệ đối tác đã vượt qua các thách thức”. (Reuters)
| Tình hình Ukraine: Tin mừng dồn dập 'bay' đến Kiev; Nga xác nhận tình hình Crimea, nói phương Tây chẳng cởi mở Ngày 19/2, nhiều nước châu Âu công bố những thông tin mới trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine, trong bối cảnh xung đột ... |
| Lệnh trừng phạt không phải 'đòn hạ gục', Nga vượt suy thoái kinh tế, nhưng sẽ mất 190 tỷ USD? Theo trang Alarabiya News, dù đã tránh được suy thoái kinh tế nhưng nền kinh tế Nga vẫn ở trong tình trạng căng thẳng và ... |
| NÓNG! Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở Kiev, 'món quà' lớn cho Ukraine? Trên trang Twitter của tờ Kiev Post mới đây đăng thông tin cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có mặt tại thủ đô ... |
| Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, Hàn Quốc và Mỹ tập trận không quân Ngày 19/2, Hàn Quốc và Mỹ tiến hành tập trận không quân chung, với sự tham gia của ít nhất một máy bay ném bom ... |
| Myanmar-Trung Quốc mở cửa trở lại cửa khẩu biên giới quan trọng Một cổng cửa khẩu ở thị trấn Muse, bang Shan thuộc miền Bắc Myanmar, đã mở vào lúc 7h sáng 14/1 (giờ địa phương). |