📞

Mỹ lại duyệt thương vụ bán thiết bị ném bom dẫn đường cho Israel

13:00 | 07/11/2023
Ngày 6/11, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ trị giá 320 triệu USD bán cho Israel thiết bị chế tạo bom dẫn đường bằng GPS chính xác, theo một văn bản do Bộ gửi tới Quốc hội mà tờ New York Times có được.
Người Palestine tìm kiếm nạn nhân sống sót tại trại tị nạn Jabaliya, một ngày sau cuộc không kích của Israel hôm 31/10, ở phía bắc Gaza. (Nguồn: Shutterstock)

Israel đã sử dụng bộ dụng cụ này trong chiến dịch ném bom ở Gaza. Đơn đặt hàng này tiếp nối đơn đặt hàng trước đó cho một thiết bị trị giá gần 403 triệu USD.

Israel đã đặt mua thêm đạn dược từ Mỹ cùng với thiết bị chế tạo bom dẫn đường. Quân đội hiện đại thường bổ sung hệ thống dẫn đường vào bom của họ với mục tiêu giảm thiểu thương vong cho dân thường, mặc dù thiệt hại vẫn có thể rất nặng nề, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.

Kho vũ khí phòng không của Israel chủ yếu bao gồm những quả bom nặng 1.000 và 2.000 pound, một trong những loại bom lớn nhất được sử dụng bởi bất kỳ lực lượng quân sự nào. Israel đã thả ít nhất hai quả bom nặng 2.000 pound trong cuộc không kích vào ngày 31/10 xuống khu Jabaliya đông đúc ở Gaza. Theo các nhà chức trách ở Gaza và các bệnh viện, cuộc tấn công đó đã giết chết hàng chục người và làm nhiều người khác bị thương.

Israel cho biết, họ đã nhắm mục tiêu thành công vào một chỉ huy cấp cao của Hamas, người đã giúp lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ngày 7/10, khiến hơn 1.400 người, hầu hết là dân thường Israel, và bắt cóc hơn 240 người khác. Hamas phủ nhận việc có chỉ huy của họ có mặt ở khu vực Jabaliya vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công ngày 31/10.

Bộ Ngoại giao tình cờ gửi văn bản về việc bán thiết bị chế tạo bom mới cho các văn phòng của Quốc hội vào ngày diễn ra cuộc tấn công vào Jabaliya. Văn bản cho biết, công ty Rafael Advanced Defense Systems, một nhà sản xuất vũ khí thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng Israel, đang trả 320 triệu USD cho thiết bị và dịch vụ cho “Bộ lắp ráp bom lượn của gia đình Spice”, ám chỉ một loại bom chính xác do Rafael sản xuất. Người bán thiết bị là Rafael USA, một công ty Mỹ có trụ sở tại Bethesda, Md., có liên kết với doanh nghiệp Israel.

Đây là thương vụ trong đó một thực thể nước ngoài mua vũ khí trực tiếp từ một công ty Mỹ thay vì thông qua chính phủ Mỹ. Vì vậy, Bộ Ngoại giao chỉ được yêu cầu tiết lộ sự chấp thuận của mình trong các kênh hẹp. Cơ quan đăng ký Quốc hội lưu ý rằng, Bộ Ngoại giao đã nộp văn bản này vào ngày 31/10, nhưng văn bản trên không có trên bất kỳ trang web công cộng nào của Quốc hội hoặc trang web của Bộ Ngoại giao.

Văn bản được gửi từ Naz Durakoglu, Thư ký trợ lý phụ trách các vấn đề lập pháp, tới Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, cũng như tới Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cả hai đều giám sát việc phê duyệt bán vũ khí của Bộ Ngoại giao.

Josh Paul, một viên chức của Bộ Ngoại giao làm việc trong văn phòng chính trị-quân sự, cơ quan giám sát việc mua bán vũ khí cho biết, yêu cầu của Israel về việc ủy ​​quyền mua thiết bị chế tạo bom trị giá 320 triệu USD đã được đưa ra vào đầu năm nay và trải qua quá trình xem xét không chính thức với các ủy ban Quốc hội nhưng chưa nhận được sự chấp thuận cuối cùng của Bộ Ngoại giao trước vụ tấn công ngày 7/ 10.

Theo văn bản, đơn đặt hàng trước đó do công ty Rafael Advanced Defense Systems đặt cho cùng loại thiết bị và trị giá gần 403 triệu USD, đã được Bộ phê duyệt vào ngày 5/2.

Theo Cơ quan y tế ở Gaza do Hamas điều hành, các cuộc tấn công của Israel đã khiến khoảng 10.000 người Palestine thiệt mạng, 40% trong số đó là trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.