Hóa đơn tại các nhà hàng đã tăng vọt, một ví dụ điển hình về sự gia tăng lạm phát tổng thể ở Mỹ. (Nguồn: CNBC) |
Từ các nhà hàng nhỏ tại địa phương đến chuỗi nhà hàng lớn, các chủ sở hữu đã buộc phải tăng giá các món ăn trên thực đơn lên tới 5% chỉ trong vài tuần qua.
Nhà nghiên cứu công nghiệp David Henkes của công ty Technomic có trụ sở tại Chicago cho biết: “Chúng tôi đang phải trả giá cao hơn khi đến các nhà hàng. Nhưng dường như, đó không phải là vấn đề nghiêm trọng bởi một số người tiêu dùng sẵn sàng chi trả khoản phí cao này để bù đắp cho khoảng thời gian dài không ra ngoài”.
Trên toàn nước Mỹ, giá thực phẩm đã tăng 4% trong tháng 5/2021 so với một năm trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 5/2009.
Tại khu vực Tampa, Florida, chủ nhà hàng Andrew Koumi đã tăng giá bán các món trong thực đơn từ 2-4%.
Anh Koumi, người sáng lập chuỗi 6 quán cà phê Green Market Cafe chia sẻ, anh đang phải trả số tiền gấp đôi để mua thịt gà, thịt bò hay các sản phẩm giấy ăn so với hồi tháng 1/2021. Anh cho hay mình không quá lo lắng về việc tăng giá thực đơn của quán cà phê bởi vì tất cả các chủ nhà hàng đều làm điều đó.
Nhà hàng Chipotle Mexican Grill tại Newport Beach, California đã tăng giá thực đơn lên tới 4%, sau khi mức lương trung bình tăng lên 15 USD/giờ.
Cracker Barrel Old Country Store, một chuỗi kết hợp nhà hàng và cửa hàng quà tặng cũng tăng giá các món ăn trong thực đơn lên 2,8% so với một năm trước và có dự định sẽ tăng lên 3% trong bối cảnh tiếp tục chịu áp lực từ chi phí nhân công và giá cả hàng hóa tăng vọt.
Còn tại McDonald's, tháng 5/2021, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này đã tăng lương cho nhân viên làm việc theo giờ lên khoảng 10% vào tháng 5/2021 và hiện chưa công bố giá cả thay đổi trên thực đơn. Tuy nhiên, McDonald's cho biết vào đầu năm nay rằng, các cửa hàng nhượng quyền có thể định giá hợp lý các món ăn trên thực đơn.
Tin liên quan |
Theo nhà phân tích Peter Saleh của BTIG LLC, trong lịch sử, các nhà điều hành nhà hàng có xu hướng tăng giá thực đơn một vài lần trong năm và họ sẽ mạnh tay tăng giá khi lạm phát được thúc đẩy bởi tiền lương chứ không phải hàng hóa.
Nhà phâm tích Saleh cho biết, từ năm 2015-2019, mức tăng lương trung bình khoảng 2,5%. Năm nay, tỷ lệ này có thể đạt khoảng 4%.
Ông Saleh nhấn mạnh: “Mặc dù chi phí thực phẩm có thể sẽ ở mức vừa phải khi tình trạng tắc nghẽn nguồn cung được giải quyết nhưng mức lương cao hơn và tình trạng thiếu lao động sẽ tiếp diễn. Mọi người đang khao khát sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống linh hoạt hơn trong một thế giới hậu Covid-19. Điều đó sẽ tạo ra lạm phát mà theo quan điểm của chúng tôi là không nhất thời”.
Liệu giá cao hơn là để duy trì hay chỉ là “một đốm sáng tạm thời” trong bối cảnh nền kinh tế đang nhanh chóng mở cửa trở lại? Đây cũng là tâm điểm của một cuộc tranh luận sôi nổi tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tại phiên điều trần Quốc hội Mỹ ngày 22/6 rằng, mức tăng giá hàng hóa đã mạnh hơn dự kiến nhưng điều này sẽ dần biến mất.
Ở thời điểm hiện tại, giá một số mặt hàng phục vụ hoạt động sản xuất như gỗ xẻ đã hạ nhiệt nhưng chi phí lương thực, đặc biệt là những món ăn từ gia cầm chế biến sẵn đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.
Nhà hàng Wingstop tại Dallas, Texas đang lên kế hoạch điều chỉnh tăng giá thực đơn từ 1-2% trong năm nay. Để tiết kiệm chi phí, nhà hàng chọn mua gia cầm nguyên con về tự chế biến, thay vì chọn những sản phẩm đã chế biến sẵn.
Giám đốc điều hành Charlie Morrison của nhà hàng này chia sẻ: “Mức tăng giá lên tới 4% có thể xuất hiện tại các nhà hàng khác, nhưng chúng tôi thì không. Việc điều chỉnh giá quá cao có thể gây phản ứng tiêu cực”.
Tuy nhiên, đối với các chủ nhà hàng nhỏ, họ có rất ít sự lựa chọn.
Ở Atlanta, chủ nhà hàng Bill Goudey Goudey đã tăng giá tới 5% đối với một số mặt hàng vài tuần trước. Ông Goudey cho hay, nhân công khan hiếm đến mức khách hàng phải đợi bàn đến 2 tiếng vào những ngày cuối tuần.
Chủ nhà hàng Bill Goudey hy vọng, đợt tăng giá thực phẩm này chỉ tồn tại trong ngắn hạn và do liên quan đến chuỗi cung ứng.