📞

Mỹ Latinh mới?

08:02 | 30/12/2008
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải đối mặt với một khu vực Mỹ Latinh đang hội nhập nhanh chóng, nơi Trung Quốc, Nga và Iran đang nhanh tay tăng cường ảnh hưởng.

 

Mâu thuẫn giữa Mỹ và Mỹ Latinh phần nào được thể hiện rõ trong Hội nghị thượng đỉnh của 29 trong tổng số 33 nước Mỹ Latinh và vùng Caribe vừa qua tại Brazil, khi các nhà lãnh đạo khu vực này đã khẳng định “đây là khoảnh khắc lịch sử”, sau đó chỉ trích và yêu cầu Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận Cuba. Cũng không phải tình cờ khi cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại của Tổng thống Bush, Carlos Gutierrez, một người chống Cuba mãnh liệt, tuyên bố Mỹ sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm vận.

 

Các nhà lãnh đạo đã xem đây không chỉ như một “thông điệp” gửi tới Mỹ Latinh mà còn như một quả thủy lôi phóng vào con tàu ngầm của ông Obama. “Bức tường đã vỡ vụn”, như tờ Pagina 12 của Argentina bình luận về quan hệ hai bên. Chiến lược của Mỹ với Mỹ Latinh đã hoàn toàn “vỡ vụn”, và ông Obama sẽ phải đi nhặt nhạnh những mảnh vụn đó.

 

Michael Shifter, Phó Giám đốc Trung tâm Đối thoại liên Mỹ ở Washington cho rằng: “Các vấn đề vẫn chi phối quan hệ với Mỹ Latinh như nhập cư, rào cản thương mại Mỹ với hàng nông nghiệp và Cuba vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Mỹ Latinh muốn Mỹ can dự, nhưng với cách khác với trước đây. Dù thế nào, họ cũng không chờ Mỹ thay đổi thái độ”.

 

Tờ New York Times thì nói về việc Mỹ bị “gạt khỏi” Hội nghị. Không chỉ Mỹ không được mời, điều tương tự xảy ra với các nước thực dân cũ tại khu vực như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hai nguyên thủ vắng mặt nữa là hai nhà lãnh đạo thân với chính quyền Bush là Tổng thống Peru Alan Garcia và Tổng thống Colombia Alvaro Uribe. Không nghi ngờ gì nữa, Hội nghị đã đặt dấu chấm hết cho học thuyết năm 1823 của Monroe với tuyên bố Mỹ Latinh nằm ngoài tầm ảnh hưởng của châu Âu (hay châu Mỹ của người Mỹ).

 

Trong khi đó, tại Hội nghị, Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim đã ca ngợi “tư tưởng và khát vọng chung về việc hội nhập Mỹ Latinh với vùng Caribe”. Chủ tịch Raul Castro tỏ ra khôn khéo khi không trực tiếp chỉ trích Mỹ, nhưng ông cho rằng “trật tự kinh tế ích kỷ và bất công” đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Mặc dù vậy, ông Castro cũng tuyên bố: “Nếu Tổng thống đắc cử Obama muốn đàm phán, chúng tôi sẽ sẵn sàng. Ngày càng khó để cô lập Cuba. Chúng tôi là một nước nhỏ, nhưng chúng tôi đã chứng tỏ rằng chúng tôi không dễ bị chi phối”.

 

Vấn đề là các chính sách của ông Obama sẽ thích ứng như thế nào với “hồ sơ chính trị” của một Mỹ Latinh mới, như lời của Tổng thống Brazil Lula. Hồ sơ mới này sẽ bao gồm cả việc mở rộng quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự với Trung Quốc, Nga và Iran. Có nghĩa là tàu chiến Nga, trong đó có một tàu hạt nhân – lần đầu tiên kể từ chiến tranh lạnh tham gia tập trận hải quân chung với Venezuela; là việc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ký Hệp định Thương mại Tự do với Peru; việc Tổng thống Brazil Lula mời Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad thăm chính thức; và việc Tổng thống Ecuador Rafael Correa từ chối xem xét lại việc Mỹ thuê căn cứ Manta, vốn được chính quyền Bush coi là nền tảng quan trọng cho cuộc chiến chống thuốc phiện tại Ecuador mà các nước Nam Mỹ vẫn chế nhạo.

 

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã mua 4,4 tỷ USD vũ khí của Nga kể từ sau khi chính quyền Bush ngừng bán các bộ phận máy bay cho Venezuela. Brazil và Pháp ký thỏa thuận cho phép 4 tàu ngầm hạt nhân tuần tra khu lòng chảo giàu dầu mỏ ở Đại Tây Dương thuộc  Brazil. Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, hiện là thị trường xuất khẩu đồng lớn nhất của Chile; và dẫn đến việc tồn tại một tuyến đường vận chuyển đồng mới chạy từ Nam Thái Bình Dương tới Đông Á. Trung Quốc hiện là bạn hàng thương mại lớn thứ hai của Cuba (sau Venezuela), với giá trị trao đổi song phương hàng năm đạt trên 2,6 tỷ USD. Trung Quốc đã cam kết 10 tỷ USD cho công ty dầu mỏ Petrobras của Brazil khai thác dầu tại khu bán cầu Tây từ năm 1976. Và đến năm 2012, Caracas sẽ bán 1 triệu thùng dầu mỗi ngày cho Bắc Kinh. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Peru rằng “Trung Quốc và Nam Mỹ đã trở thành bạn bè và đối tác tốt”. 

 

Chính sách đối ngoại của Obama sẽ chủ yếu tập trung vào “khu vực bất ổn” kéo dài từ Trung Đông đến Trung Á. Ông Obama tuyên bố sẽ quan tâm đến Mỹ Latinh. Chỉ có điều, làm thế nào ông có thể đề ra luật chơi tại một Mỹ Latinh đang hội nhập nhanh, nơi mà giờ đây Mỹ cũng chỉ là một trong rất nhiều đối tác tham gia vào cuộc chơi tại khu vực?

 

Kim Chung (gt)