📞

Mỹ-Mexico tăng tốc chống buôn lậu ma túy

15:49 | 12/06/2010
Những vấn đề liên quan đến đường biên giới Mỹ - Mexico luôn nóng hổi trên các trang báo của hai quốc gia láng giềng này, chủ yếu liên quan đến buôn lậu ma túy và tội phạm có tổ chức.
Tội phạm xuyên quốc gia đòi hỏi Mỹ - Mexico phải hợp tác xuyên biên giới để giải quyết.

Mở bất cứ tờ báo Mexico nào người ta cũng có thể tìm thấy những vụ án man rợ liên quan đến ma túy đăng ở ngay trang đầu hoặc trang giữa. Trong 3 năm gần đây, số vụ giết người liên quan đến ma túy ở Mexico đã vượt con số 18.000, riêng trong năm 2009 đã có tới 8000 vụ. Mức độ man rợ của các vụ án cũng không ngừng tăng lên. Người ta không khỏi rùng mình khi nghe tin vụ giết người và chặt đầu tập thể tại một sàn nhảy ở Acapulco hay vụ dìm 300 người trong dung dịch axít. Tuy nhiên, buôn lậu ma túy và tội phạm có tổ chức không chỉ là vấn nạn của riêng Mexico mà nó còn gây bất ổn cho người láng giềng khổng lồ - Mỹ. Tội phạm xuyên quốc gia đòi hỏi hai nước phải hợp tác xuyên biên giới để giải quyết các quan ngại chung.

 

Ngay từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, Mexico đã là thị trường cung cấp rượu, cần sa, heroin, cocaine và các chất gây nghiện khác cho Mỹ. Nguồn tiền và vũ khí lại chảy ngược lại từ Mỹ sang Mexico để cung cấp cho các băng đảng tội phạm có tổ chức và các đường dây buôn lậu ma túy. Trong mấy thập kỷ gần đây, nhu cầu của thị trường Mỹ tăng lên và ngày càng đa dạng khiến các băng đảng buôn lậu ở Mexico cũng không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu này. Năm 1990, 50% cocaine tại Mỹ do thị trường Mexico cung cấp, con số này hiện nay là 90%. Mexico đã thay thế Colombia để trở thành trung tâm buôn lậu ma túy hàng đầu của Tây bán cầu.

 

Trước đây, vai trò quốc gia trung chuyển của Mexico không được Mỹ nhìn nhận đúng mức trong các nỗ lực chống ma túy, thay vào đó Mỹ tập trung đầu tư vào Colombia. Từ năm 2006 trở về trước, Mỹ hỗ trợ cho Colombia 600 triệu USD mỗi năm, trong khi chỉ dành cho Mexico khoản hỗ trợ an ninh trị giá 40 triệu USD. Tuy nhiên, tình hình bạo lực gia tăng tại khu vực biên giới với Mexico đã khiến Mỹ bừng tỉnh và Chính quyền George W. Bush đã tuyên bố ủng hộ cuộc chiến chống buôn lậu ma túy của Tổng thống Mexico Calderon. Cuộc gặp giữa Tổng thống Bush và Tổng thống Calderon tháng 3/2007 đã đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ hợp tác an ninh song phương với việc thông qua Sáng kiến Merida. Trong khuôn khổ Sáng kiến này, Mỹ dành cho Mexico gói hỗ trợ an ninh trị giá 1,4 tỷ USD, hỗ trợ về công nghệ, thiết bị quân sự, trợ giúp đào tạo về hành pháp và hỗ trợ cải cách tư pháp nhằm từng bước bóc gỡ các đường dây buôn lậu ma túy và băng đảng tội phạm có tổ chức tại Mexico. Chính phủ hai nước đã thiết lập văn phòng an ninh chung đặt tại Mexico City nhằm xử lý các thông tin liên quan đến an ninh hai nước đặc biệt là khu vực biên giới. Có thể nói, mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng liên quan đến vấn đề nhập cư, thương mại và năng lượng nhưng hợp tác an ninh hai nước đã được cải thiện đáng kể trong hai năm cuối của Chính quyền Bush.

 

Dưới thời Obama, Mexico tiếp tục là ưu tiên đối ngoại hàng đầu của Mỹ. Trong cuộc gặp với Tổng thống Calderon tại Washington 8 ngày trước khi nhậm chức, Tổng thống đắc cử Obama đã tái khẳng định cam kết ủng hộ tài chính cho nỗ lực chống buôn lậu ma túy của Mexico. Ba tháng sau đó, Ngoại trưởng Hillary Clintton, Tổng Tham mưu trưởng liên quân - Đô đốc Michael Mullen, Bộ trưởng An ninh nội địa Janet Napolitano và Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder lần lượt có các cuộc gặp và thảo luận với các quan chức Mexico về các mối quan ngại an ninh chung. Khung hợp tác chiến lược song phương tiếp tục được củng cố theo hướng toàn diện hơn. Các sáng kiến ở cấp độ địa phương được nâng lên ở cấp độ hợp tác giữa hai chính phủ.

 

Năm 2010 là năm thứ hai trong nhiệm kỳ Tổng thống của Obama, đồng thời cũng là năm cuối cùng Mỹ và Mexico thực thi Sáng kiến Merida. Tâm điểm của hợp tác song phương trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy và tội phạm có tổ chức chuyển từ viện trợ quân sự sang hỗ trợ cải cách các cơ quan hành pháp, đặc biệt là cuộc chiến chống tham nhũng trong chính quyền Mexico. Nếu không có lực lượng cảnh sát, tòa án và đội ngũ chính trị gia trong sạch thì cuộc chiến tại Mexico không thể giành chiến thắng. Bên cạnh đó, hai nước cũng sẽ hợp tác để giải quyết căn nguyên kinh tế - xã hội đằng sau vấn đề bạo lực tại Mexico. Để đạt được các mục tiêu này đòi hỏi chính quyền hai nước phải có cam kết mang tính dài hạn và những chính sách ổn định lâu dài. Ở Mexico, mỗi tổng thống đều muốn để lại dấu ấn của riêng mình về chính sách an ninh, do đó các tân tổng thống thường không tiếp tục theo đuổi chính sách của những người tiền nhiệm mà xây dựng cho mình một chính sách riêng. Có ai dám chắc tổng thống mới của Mexico năm 2012 sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho cải cách các cơ quan hành pháp hay lại theo đuổi chính sách của riêng mình như bao chính quyền tiền nhiệm khác? Đây vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp và có thể là trở ngại cho hợp tác an ninh song phương Mexico - Mỹ.

 

Khai Tâm