📞

Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt đối với Nga

14:23 | 23/12/2015
Ngày 22/12, Mỹ đưa thêm các lệnh trừng phạt đối với 34 cá nhân, doanh nghiệp của Nga nhằm gây sức ép về vấn đề Ukraine.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga - “Điều này giống như bạn tự bắn vào bàn chân mình trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ hiện nay”. (Nguồn The Iran Project)

Trong một bản thông cáo, Quyền giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài của Mỹ (OFAC), ông John E. Smith, cho biết, các lệnh trừng phạt mới này thể hiện một “quyết tâm không nao núng nhằm gây sức ép lên Nga để họ phải tôn trọng an ninh và chủ quyền của Ukraine”.

Ông cũng cho biết, tất cả các lệnh trừng phạt sẽ được giữ nguyên cho tới khi Moscow tuân thủ những cam kết trong bản thỏa thuận hòa bình mà các bên đạt được ở Minsk (Belarus) đầu năm nay mà theo đó, một lệnh ngừng bắn giữa chính quyền Ukraine và phe ly khai sẽ có hiệu lực vào đêm 22/12.

Theo trang tin RT (Nga), danh sách trừng phạt mà Mỹ đưa ra bao gồm 14 cá nhân và tổ chức có liên kết với những đối tượng đã “trốn tránh lệnh cấm vận hiện tại của Mỹ hoặc những cơ sở mà đối tượng bị trừng phạt sở hữu trên 50%”, trong số đó có đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Putin như Gennady Timchenko và Arkady Rotenberg. Đồng thời, các công ty con của VTB và Sberbank – hai ngân hàng của Nga đã bị cấm tại thị trường Mỹ trước đó, cũng đã được đưa vào lệnh cấm mới.

Danh sách này cũng bao gồm 6 “thành phần ly khai được cho là đe dọa an ninh và ổn định của Ukraine” và hai cựu quan chức chính phủ Ukraine đã “đồng lõa trong việc biển thủ tài sản công và đe dọa đến an ninh và sự ổn định của Ukraine”. Theo Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp trừng phạt cũng được áp lên 12 đơn vị đang hoạt động tại Crimea.

Nga ngay lập tức đã lên án những lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc mở rộng lệnh trừng phạt là “một sự tiếp nối lập trường không thân thiện đối với Nga, có thể phá hoại mối quan hệ song phương”. Ông tuyên bố: “Chắc chắn dựa trên nguyên tắc có đi có lại, phía Nga cũng sẽ xem xét quyết định này (của Mỹ) và sau đó có thể tiến hành những biện pháp đối phó”.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết, việc Washington sử dụng các lệnh trừng phạt không có nhiều tác động lên Nga. “Điều này giống như bạn tự bắn vào bàn chân mình trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ hiện nay, mối quan hệ đã bị ngưng trệ bởi Washington”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói.

Trong khi đó, giới quan sát cũng bày tỏ nghi vấn về việc liệu các hình thức trừng phạt kinh tế như trên có hiệu quả đối với Nga. Tạp chí Foreign Policy viện dẫn những nghiên cứu mới đây của chuyên gia năng lượng tại Viện nghiên cứu Cato (Mỹ) Emma Ashford chỉ ra rằng những lệnh trừng phạt này không mấy hiệu quả đối với một nước Nga hùng mạnh. “Sau các lệnh trừng phạt đầu tiên, sự táo bạo của điện Kremlin sẽ càng tăng”, bà viết.

Động thái này đánh dấu lần đầu tiên Washington thúc đẩy các biện pháp trừng phạt liên quan đến vấn đề Ukraine kể từ khi Moscow mở chiến dịch không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hồi tháng Chín tại Syria. Việc cả thế giới tập trung vào IS khiến cuộc khủng hoảng Ukraine dường như bị lãng quên.

Các hình phạt bổ sung này được công bố một ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí nới rộng lệnh cấm vận trước đó đối với Nga thêm 6 tháng, bao gồm những hạn chế cho các ngân hàng quốc doanh cũng các công ty quốc phòng, dầu mỏ lớn của Nga vay vốn. Có những ý kiến cho rằng sự đồng thuận về các biện pháp trừng phạt này của EU đang có dấu hiệu rạn nứt, đáng chú ý nhất là hai quốc gia có quan hệ năng lượng chặt chẽ với Moscow – Italy và Pháp.