Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Nguồn: AP) |
Trong bài phát biểu tại Viện Chính sách công Baker thuộc Đại học Rice, Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: "Ngay từ ngày đầu, Tổng thống Biden đã nghĩ đến hai 'Ngôi sao phương Bắc'. Một là để đảm bảo rằng nước Mỹ đang làm mọi thứ có thể để hỗ trợ Ukraine và thuyết phục các nước khác làm điều điều tương tự. Còn "ngôi sao thứ hai' là để tránh xung đột trực tiếp với Nga, bởi vì viễn cảnh xung đột trực tiếp là điều không ai mong muốn và cũng không đảm bảo an ninh cho chính người dân Mỹ".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tái khẳng định chính quyền Kiev có quyền quyết định các hoạt động chiến đấu của mình, nhưng Washington chưa bao giờ khuyến khích thực hiện các cuộc tấn công ra ngoài biên giới Ukraine. Theo ông Blinken, cách tốt nhất để ngăn chặn hành động thù địch là củng cố vị thế của Ukraine.
Nga đã nhiều lần bày tỏ lập trường của mình về cuộc xung đột ở Ukraine ở nhiều cấp độ khác nhau. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lưu ý nước này vẫn luôn để ngỏ giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng và sẵn sàng đáp ứng những đề xuất thực sự nghiêm túc, song chính quyền Ukraine lại cắt giảm và cấm mọi cuộc đàm phán với Nga.
Trong một động thái mới nhất, tối 30/9 theo giờ địa phương, Quốc hội Mỹ đã thông dự luật ngân sách tạm thời. Dự luật này bao gồm 16 tỷ USD hỗ trợ các nạn nhân thảm họa thiên tai, nhưng không bao gồm viện trợ cho Ukraine. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, cơ quan lập pháp nước này đã phê duyệt 113 tỷ USD hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022.
Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Mỹ vẫn ủng hộ viện trợ cho Ukraine, nhưng sự ủng hộ đó đang dần sụt giảm. Với việc Quốc hội Mỹ ngăn chặn các gói hỗ trợ mới cho Ukraine, đã dấy lên những lo ngại về việc nước Mỹ đã bắt đầu "mệt mỏi" với cuộc chiến kéo dài tại Ukraine và cho thấy sự "đoàn kết" với các đồng minh trong việc ủng hộ Ukraine đã bắt đầu thuyên giảm.