Nhỏ Bình thường Lớn

Mỹ: Nga giữ nguyên quan điểm phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Theo Yonhap, hôm thứ Năm (29/1), một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết Nga vẫn cam kết nỗ lực cho quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mặc dù lãnh đạo Kim Jong Un sắp thăm Nga.
Đại sứ Sung Kim, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên (Nguồn: Yonhap).

Đặc Phái viên của Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Sung Kim đã nhận xét như vậy khi ông vừa đặt chân đến sân bay Bắc Kinh để hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vũ Đại Vĩ, sau khi đi thăm Tokyo.

Triều Tiên xác nhận ông Kim Jong Un sẽ tham dự lễ kỷ niệm đánh dấu chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã, kết thúc Thế chiến thứ Hai vào tháng 5/2015 tại Nga. Trong khi đó, thông báo hôm thứ Tư (28/1) của Điện Kremlin lại không nhắc đến tên nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Nếu trở thành sự thật, đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong Un kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên vào cuối năm 2011. Một số nhà phân tích lo ngại rằng mối quan hệ gần gũi hơn giữa Bình Nhưỡng và Moscow có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực ngoại giao để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đại sứ Sung Kim nói: "Tôi nhận được nguồn tin nói rằng ông Kim Jong Un khả năng cao sẽ có chuyến thăm Nga. Tuy nhiên, điều quan trọng là Nga vẫn còn rất quyết tâm với việc giải trừ hạt nhân theo tuyên bố chung của quá trình đàm phán sáu bên”.

Theo nhà ngoại giao Mỹ gốc Hàn này, Nga đã từng có những động thái cho thấy rằng họ sẽ có phản ứng mạnh mẽ trước các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, và trên thực tế thì Moscow luôn tuyên bố phản đối việc tiếp tục các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Đại sứ Sung Kim cho biết thêm ông đã có các cuộc đàm phán "rất hiệu quả" tại Tokyo với đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản và dự kiến sẽ tổ chức hội đàm "rất đáng kể và chi tiết" với người đồng cấp Trung Quốc tại Bắc Kinh.

Theo Yonhap, Triều Tiên đang muốn làm sâu sắc hơn quan hệ ngoại giao và kinh tế với Nga khi mối quan hệ chính trị với Trung Quốc vẫn còn băng giá trong bối cảnh chịu sức ép của quốc tế về chương trình hạt nhân và hồ sơ nhân quyền ảm đạm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang chịu áp lực lớn liên quan đến xung đột ở Ukraine, cũng tỏ ý muốn tăng cường quan hệ với Triều Tiên nhằm đáp lại chính sách “xoay trục” của Mỹ tới châu Á. Ông Putin đã ngỏ lời mời nhà lãnh đạo Kim Jong Un tham dự buổi lễ ngày 9/5/2015 khi tiếp phái viên đặc biệt của ông Kim hồi tháng 11 năm ngoái.

Trung Quốc là nguồn viện trợ kinh tế chính của Triều Tiên, nhưng quan hệ chính trị giữa hai bên vẫn còn căng thẳng, đặc biệt là sau vụ thử hạt nhân thứ ba của Triều Tiên hồi đầu năm 2013.

NGUYÊN BẢO (theo Yonhap)