Mỹ cũng đã yêu cầu gần 60% nhân viên Đại sứ quán nước này tại thủ đô La Habana (hay còn gọi là Havana) rút về nước. Các quyết định này là bước thụt lùi đối với mối quan hệ song phương vốn nhiều sóng gió giữa hai nước.
Liên quan đến sự cố y tế nói trên, đến nay đã có ít nhất 21 nhân viên ngoại giao Mỹ tại La Habana được xác nhận tổn hại sức khỏe trong vụ việc được cho là “tấn công sóng âm” nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ, trong khi nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ.
Đại sứ quán Mỹ tại La Habana, Cuba. (Nguồn: Reuters) |
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cân nhắc việc đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại La Habana do vụ việc này. Trong khi đó, Cuba vẫn khẳng định không phát hiện dấu vết nào liên quan giữa các triệu chứng tổn hại sức khỏe của các nhà ngoại giao Mỹ với các cuộc tấn công từ bên ngoài.
Sau hơn nửa thập kỷ, Mỹ và Cuba đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015, mở cửa trở lại Đại sứ quán tại Washington và La Habana, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã tạm dừng một số chính sách đối với Cuba của người tiền nhiệm Barack Obama
Mới đây nhất, ông đã ký gia hạn 1 năm đạo Luật Thương mại được áp dụng từ năm 1917. Đạo luật này là một trong những nền tảng pháp lý quan trọng của cuộc bao vây cấm vận chống Cuba từ năm 1962 và từ đó đến nay, đạo luật đã liên tục được 10 tổng thống Mỹ gia hạn mỗi năm.
Văn bản này cho phép Tổng thống Mỹ linh hoạt pháp lý cần thiết để nới lỏng hoặc thắt chặt lệnh cấm vận đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua.