Lạc quan hợp tác Việt-Mỹ
Ông Chad P. Bown, Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, TP. HCM là một thành phố sở hữu tiềm năng rất mạnh. (Ảnh: Nguyễn Bình) |
Đánh giá vai trò của hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp thành công, ông Chad P. Bown, Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, hợp tác quốc tế là việc các quốc gia làm việc cùng nhau để hướng đến các biện pháp hiệu quả. Đối với một quốc gia như Việt Nam, sở hữu tiềm lực mạnh mẽ, hợp tác quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển đổi công nghiệp.
Ông Chad P. Bown bày tỏ tin tưởng rằng các quốc gia như Việt Nam nên tận dụng thế mạnh cơ bản của mình và hướng tới tương lai với những khát vọng lớn lao. Việt Nam đã sở hữu những lợi thế vượt trội, như nguồn nhân lực dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi, chuỗi cung ứng đa dạng và ngành công nghệ phát triển mạnh mẽ. "Bắt đầu từ thế mạnh là nguồn lực nội tại, chúng ta có thể cùng nhau thay đổi và phát triển nền kinh tế cũng như lực lượng lao động của Việt Nam", Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Về sự hỗ trợ của Mỹ với Việt Nam trong chuyển đổi sang nền kinh tế đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, Ông Chad P. Bown cho hay, Mỹ đang triển khai những dự án tại Việt Nam nhằm phát triển chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn và hiện đã có các sáng kiến cụ thể. Sau khi làn sóng điện toán mạng ảo (VNC) xuất hiện, Washington hy vọng sẽ thúc đẩy sự tham gia tích cực của Việt Nam, nhằm giúp cải thiện, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động tại Việt Nam phục vụ các công việc phức tạp.
Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Chúng tôi đang phối hợp với các trường đại học, chuyên gia, sinh viên và chính quyền địa phương để xây dựng một chương trình tương tự và thích hợp với Việt nam. Với sự hợp tác quốc tế mà Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ thì tôi tin điều đó sẽ trở thành hiện thực".
Ông Chad P. Bown nhận định, TP. HCM là một thành phố sở hữu tiềm năng rất mạnh, có nhiều công ty nước ngoài với đa dạng các lĩnh vực như linh kiện chất bán dẫn, hay tàu vận tải tự hành (ATV) khiến nơi đây trở thành khu vực đầu tư đầy hấp dẫn. Mỹ mong muốn hợp tác với Việt Nam để phát triển tiềm năng, nâng cao chất lượng lao động và thu hút nhân tài có tay nghề cao. Điều này sẽ tạo cơ hội cho nhiều công ty và nhà đầu tư đến đây xây dựng nhà máy.
"Chúng tôi cũng muốn hỗ trợ Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ, đồng thời hỗ trợ lĩnh vực logistics và cơ sở hạ tầng nhằm mở ra cơ hội đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu của 2 bên. Còn rất nhiều việc phải làm và chúng tôi rất mong đợi chặng đường hợp tác sắp tới của hai bên", Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ.
Đôi bên cùng có lợi
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Komura Masahiro hy vọng, nước này sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với TP. HCM để cùng xây dựng mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi. (Ảnh: Nguyễn Bình) |
Nói về hành trình chuyển đổi công nghiệp thành công của xứ sở mặt trời mọc, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Komura Masahiro cho biết, sau khi kết thúc chiến tranh, Nhật Bản đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao do hưởng lợi từ thương mại tự do theo hệ thống thương mại đa phương. Đối với Nhật Bản, vốn phát triển ngành công nghiệp dựa trên thương mại và đầu tư với nước ngoài, việc duy trì và mở rộng trật tự kinh tế tự do, công bằng và dựa trên luật lệ là vô cùng quan trọng.
Để đạt được mục tiêu này, Tokyo đã nỗ lực rất lớn trên cấp độ ngoại giao đa phương và song phương, đặc biệt là đóng vai trò chủ đạo trong thiết lập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Việt Nam cũng đang tham gia với tư cách thành viên quan trọng.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Tokyo đã hỗ trợ các dự án liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người dân như xây dựng nhà ga quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy. Gần đây, Nhật Bản đang triển khai các dự án quy mô lớn tại TP. HCM như xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro 1), cải thiện môi trường nước thành phố.
Trên thực tế, Nhật Bản là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và là nhà đầu tư trực tiếp vào TP. HCM lớn thứ hai (sau Singapore). "Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tp. Hồ Chí Minh ở nhiều cấp độ khác nhau cả công lẫn tư để cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi", ông Komura Masahiro nhấn mạnh".
Sẵn sàng hợp tác
Bà Yulia Smirnova, Chủ tịch Ủy ban Công nghệ thông tin và Truyền thông Saint Petersburg, Nga (ngoài cùng bên trái) tham dự Diễn đàn Kinh tế TP. HCM 2024 ngày 25/9. (Nguồn: Báo Phụ nữ) |
Đề cập triển vọng hợp tác chuyển đổi công nghiệp giữa địa phương hai nước, bà Yulia Smirnova - Chủ tịch Ủy ban Công nghệ thông tin và Truyền thông Saint Petersburg, Nga cho rằng, Saint Petersburg đang dẫn đầu trong số các địa phương của Nga hợp tác với Việt Nam. Saint Petersburg có một cộng đồng doanh nghiệp năng động, sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam.
Saint Petersburg có các chuỗi bán lẻ lớn, nhà cung cấp thực phẩm và công ty chế biến, đồng thời sở hữu thế mạnh trong lĩnh vực dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, sản xuất công nghiệp, thực phẩm và công nghệ thông tin. "Chúng tôi có đủ khả năng và nguồn nhân lực để xúc tiến hợp tác với các doanh nghiệp TPHCM và Việt Nam", bà Yulia Smirnova khẳng định.
Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, đổi mới và phát triển bền vững, Chủ tịch Ủy ban Công nghệ thông tin và Truyền thông Saint Petersburg chia sẻ, ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng ở Saint Petersburg. Địa phương này hiện phát triển các địa điểm sản xuất có trình độ công nghệ mới hoàn toàn, cùng với đó là xây dựng đường giao thông, trang bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu hút doanh nghiệp.
Theo bà Yulia Smirnova, Saint Petersburg đang phát triển mạng lưới các khu công nghệ (hiện có 10 khu) và các khu công nghiệp (hiện có 13 khu). Trong 15 năm qua, địa phương đã mở rộng diện tích đặc khu kinh tế lên gấp 2 lần. Kết quả là 117 doanh nghiệp công nghiệp vừa và lớn đã được thành lập, cùng với 7.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Thành phố khuyến khích doanh nghiệp với hơn 100 biện pháp hỗ trợ, bao gồm lợi ích về thuế, trợ cấp tài chính, hỗ trợ thông tin, biện pháp hỗ trợ về tài sản, lao động và hành chính. Nhờ đó, ngành công nghiệp của địa phương đã sản xuất được sản phẩm hiện đại, công nghệ cao và cần thiết, không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn xuất sang nước ngoài.