Mỹ-Trung Quốc vướng tranh cãi liên quan vụ khinh khí cầu, song Tổng thống Biden cho rằng, việc này không gây tổn hại lớn cho quan hệ song phương. (Nguồn: Youtube) |
Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, phi đội khí cầu này "được phát triển để tiến hành các hoạt động giám sát. Trong vài năm qua, đã phát hiện khí cầu Trung Quốc ở các quốc gia trên khắp 5 châu".
Điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng John Kirby nhấn mạnh, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng bởi các khí cầu do thám của Trung Quốc, đồng thời lưu ý, Bắc Kinh đã tăng cường chương trình theo dõi trong những năm qua.
Theo ông Kirby, Mỹ có kế hoạch thảo luận vấn đề này với các đồng minh và đối tác của Washington.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder cũng nói trong một cuộc họp báo cùng ngày rằng, trong vài năm qua, khinh khí cầu Trung Quốc đã bị phát hiện hoạt động rông khắp ở Mỹ Latinh, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Đông Á và châu Âu.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Bộ Ngoại giao nước này đã chia sẻ thông tin về chương trình khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc với hàng chục quốc gia, cả trong các cuộc họp ở thủ đô Washington D.C và thông qua các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài.
Theo New York Times, các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá, chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực giám sát toàn cầu nhằm thu thập thông tin về tiềm lực quân sự của các quốc gia trên thế giới.
Theo các chuyên gia, những quả khinh khí cầu có một số lợi thế so với các vệ tinh quay quanh Trái Đất theo quỹ đạo thông thường, vì chúng bay gần Trái Đất hơn, di chuyển theo chiều gió và có thể lẩn tránh sự theo dõi của radar.
Hiện, Trung Quốc chưa phản hồi về các bình luận của quan chức Mỹ liên quan cái gọi là "phi đội khinh khí cầu do thám" của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trước những cáo buộc sử dụng chiếc khinh khí cầu, vốn đã bị Washington bắn hạ do vi phạm không phận Mỹ hồi cuối tuần, nhằm mục đích do thám các cơ sở quân sự, Trung Quốc khẳng định vật thể này thuộc sở hữu tư nhân để quan sát, nghiên cứu khí tượng.
Trong một diễn biến khác liên quan quan hệ Mỹ-Trung, cũng trong ngày 8/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington "không tìm kiếm xung đột" với Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn mạng truyền hình PBS, Tổng thống Biden tái khẳng định lời ông đã nói trong Thông điệp liên bang vào tối 7/2 rằng: "Chúng tôi sẽ cạnh tranh hoàn toàn với Trung Quốc, nhưng... chúng tôi không tìm kiếm xung đột - và đó là thực tế những gì diễn ra cho đến nay".
Theo giới quan sát, những bình luận của ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng rõ ràng nhằm xoa dịu căng thẳng về sự cố kịch tính về vụ khinh khí cầu cuối tuần qua.
Trước đó, ông Biden cũng khẳng định, vụ việc này không gây tổn hại lớn cho mối quan hệ với Bắc Kinh.