Các bác sĩ đã có ca phẫu thuật thành công, cứu được người đàn ông hít phải dụng cụ trám răng vào phổi. (Nguồn: USTimeToday) |
Đầu tháng 4, ông Tom Jozsi ở bang Illinois, Mỹ đến phòng khám răng để trám một chiếc răng sâu. Tuy nhiên, Tom hít phải mũi khoan của chiếc máy.
Tình hình sẽ trở nên tồi tệ nếu mũi khoan bị nuốt và phần nhọn của nó đâm vào ruột ông. Song, kết quả chụp CT cho thấy mũi khoan không phải bị nuốt mà là bị hít vào. Nó nằm gọn trong phổi của người đàn ông 60 tuổi.
Tom nói với WISN 12 News: "Tôi đã đến nha sĩ để trám một chiếc răng. Và điều tiếp theo tôi biết là tôi đã hít phải dụng cụ làm răng. Tôi thậm chí còn không thực sự cảm thấy vật đó bên trong cơ thể mình. Tất cả những gì tôi cảm thấy là muốn ho".
Ban đầu, các chuyên gia về phổi cố gắng lấy mũi khoan nha khoa ra bằng cách sử dụng ống nội soi bình thường. Tuy nhiên, nó nằm quá sâu trong phổi. Việc này khiến bệnh nhân lo lắng bởi nếu không còn cách nào khác, ông buộc phải bị cắt bỏ một phần phổi.
Nhà nghiên cứu bệnh học Abdul Hamid Alraiyes nói với CNN: "Dị vật đó đã ở trong khoang miệng và vi khuẩn trong miệng là loại vi khuẩn độc nhất, vô cùng hung hãn. Nếu dính vào phổi, nó sẽ tạo ra một ổ áp xe nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao phải loại bỏ dị vật càng sớm càng tốt".
Khi trả lời phỏng vấn tạp chí People, Tom bày tỏ nỗi lo: "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nó không được lấy ra? Và câu trả lời rõ ràng là một phần phổi của tôi sẽ bị cắt bỏ mất thôi".
Sau vài ngày, người đàn ông 60 tuổi bắt đầu ho ra máu. Do đó, các bác sĩ quyết định chuẩn bị cho ông một cuộc phẫu thuật chuyên sâu để giải quyết triệt để vấn đề.
May mắn thay, trước ca đại phẫu, bác sĩ Abdul và nhóm của ông đã nghĩ ra một cách sáng tạo khác để lấy mũi khoan ra.
Họ sử dụng phương pháp nội soi phế quản bằng robot thường được dùng để phát hiện các nốt ung thư phổi nhỏ. Quy trình kéo dài 90 phút, diễn ra theo đúng dự định và mũi khoan cuối cùng đã được lấy ra thành công.
Hiện Tom bình phục hoàn toàn. Ông thậm chí còn trưng bày mũi khoan trên một chiếc kệ đặt trong nhà, coi như món đồ lưu niệm để nhắc mình nhớ về quãng thời gian suýt bị mất một phần phổi.