Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, chiến dịch phản công của Ukraine đã đạt được một số tiến triển nhất định, tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định Kiev đã đạt được thành công. Ảnh minh họa. (Nguồn: AP) |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark A. Milley đều thừa nhận rằng, các lực lượng của Ukraine đang vấp phải nhiều khó khăn và hứng chịu nhiều tổn thất, trong đó có thương vong về người, lẫn xe tăng và các phương tiện khác.
Các quan chức trên khẳng định, những khó khăn này đều đã được lường trước. Theo đó, cuộc phản công “có thể sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể và cái giá phải trả rất cao”.
Tuy nhiên, họ cho rằng Kiev sẽ thu được một kết quả dài hạn. Còn về phía Nga, hiện Moscow đang chưa có sự thống nhất trong ban lãnh đạo và gặp vấn đề về tinh thần của quân đội.
Cũng theo hai quan chức quốc phòng Mỹ, để Ukraine “gặt hái” được thành công trong chiến dịch này, cần có sự cam kết hỗ trợ không ngừng nghỉ và sự thống nhất của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, các chuyên gia quân sự tiết lộ, nỗ lực ban đầu của Ukraine là nhằm lôi kéo lực lượng dự bị của Nga tới các khu vực chịu áp lực, từ đó tìm ra các điểm sơ hở trong phòng tuyến của Nga.
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết, Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine đang bắt đầu bàn về các biện pháp tận dụng những hỗ trợ của phương Tây, đặc biệt về vũ khí quân sự, để tạo ra đột phá trên chiến trường, đồng thời tìm cách giúp binh sĩ Ukraine vận hành những trang thiết bị này thành thục.
Trong vài tháng gần đây, Mỹ và đồng minh đang tập trung vào việc huấn luyện lực lượng Kiev cách sửa chữa các khí tài được viện trợ.
Theo một quan chức cấp cao Canada tham gia chương trình huấn luyện binh lính Ukraine, một số nước đã lên kế hoạch đào tạo cụ thể đến cuối năm nay.
Tính đến nay, đã có khoảng 6.000 người Ukraine tham gia 65 khóa đào tạo, tại 40 địa điểm trên 3 châu lục khác nhau.
Cùng ngày 19/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo nguy cơ Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật “là có thật”.
Ông Biden đã đưa ra tuyên bố trên chỉ vài ngày sau khi lên án Nga triển khai các loại vũ khí này ở Belarus.
Trước đó, ngày 17/6, ông Biden đã phản đối mạnh mẽ thông báo của Tổng thống Putin về việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên tới Belarus.
Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuần trước tiết lộ, Minsk đã bắt đầu tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow - được cho là mạnh gấp 3 lần quả bom nguyên tử Mỹ từng thả xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) vào năm 1945.