📞

Mỹ ra quyết định quan trọng liên quan mìn sát thương cá nhân, thanh minh một điều cho Ukraine

Bảo Hà 14:17 | 22/06/2022
Ngày 21/6, Nhà Trắng thông báo, Mỹ đã quyết định hạn chế việc sử dụng mìn sát thương cá nhân và sẽ không phát triển, sản xuất hoặc mua sắm loại vũ khí này.
Mỹ sẽ hạn chế sản xuất và sử dụng mình sát thương. (Nguồn: AP)

Như vậy, Mỹ đã cùng với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có toàn bộ đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đưa ra quyết định tương tự.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, động thái trên phản ánh niềm tin của Tổng thống Joe Biden rằng bom, mìn "gây ra tác động nặng nề đối với dân thường, trong đó có trẻ em, rất lâu sau khi giao tranh đã chấm dứt".

Theo đó, Mỹ sẽ không xuất khẩu hoặc chuyển giao mìn sát thương, "trừ trường hợp cần thiết cho các hoạt động liên quan đến dò tìm hoặc gỡ bỏ bom mìn và cho mục đích phá hủy".

Tuy nhiên, chính sách liên quan mìn sát thương cá nhân của Mỹ ở khu vực Bán đảo Triều Tiên vẫn không thay đổi, do tình hình đặc biệt ở đó, cũng như cam kết của Washington trong việc bảo vệ đồng minh Hàn Quốc.

Cùng ngày, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị-quân sự Stanley Brown cho biết, Mỹ và Ukraine đi ngược lại Công ước Ottawa về các loại mìn sát thương.

Ông Brown nói rõ: "Ukraine thực sự là một thành viên của Công ước Ottawa và không thể sử dụng các loại mìn không tuân theo quy ước. Vì vậy, bản thân Ukraine không sử dụng mìn và chúng tôi không cung cấp các loại mìn không tuân thủ Công ước Ottawa cho Ukraine".

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm nay, Mỹ đã là nhà cung cấp chính hỗ trợ quân sự và trang thiết bị cho Kiev, cam kết tổng cộng khoảng 6,3 tỷ USD.

Các thiết bị được Mỹ gửi tới Ukraine bao gồm 1.400 hệ thống phòng không Stinger, 6.500 hệ thống chống giáp Javelin, 700 máy bay không người lái Switchblade, 126 lựu pháo cỡ 155mm, cùng nhiều loại vũ khí khác.

(theo Reuters, Sputnik)