📞

Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris - cơ hội lớn cho EU

17:38 | 07/06/2017
Việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã vấp phải những chỉ trích gay gắt từ phía các chính trị gia hàng đầu châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. 

Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đang lợi dụng tình thế này để trở thành một khối thống nhất siêu cường, tăng khả năng cạnh tranh với Mỹ. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp đón người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 30/5 vừa qua. (Nguồn: AP)

Châu Âu thắt chặt đoàn kết

Bà Merkel đã hối thúc “tất cả những bên coi tương lai của Trái Đất là vấn đề quan trọng" tiếp tục thực hiện những cam kết trong Hiệp định nhằm bảo vệ thành công hành tinh của chúng ta. Bà cũng nhấn mạnh “không gì sẽ có thể ngăn chúng ta lại. Chúng ta quyết tâm hơn bao giờ hết trong hợp sức cùng nhau tại nước Đức, tại châu Âu và trên thế giới”. 

Một giờ sau thông báo của ông Trump, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra lời kêu gọi qua một video bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (một điều hoàn toàn mới trong lịch sử Điện Elysée) đối với thế giới. Ông chỉ trích người đồng cấp Donald Trump đã phạm phải một sai lầm lớn. 

Đằng sau những tuyên bố này, hai nhà lãnh đạo Merkel và Macron đang lợi dụng sự rạn nứt với Mỹ và việc Anh rời EU để biến EU trở thành một khối có vị thế siêu cường, có khả năng cạnh tranh với Mỹ trên thị trường toàn cầu.

Trong một tuyên bố chung, Đức, Pháp và Italy đã phản đối lời kêu gọi của Tổng thống Trump về việc đàm phán lại những mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Thủ tướng Anh đã từ chối ký vào tuyên bố chung này nhưng cũng bày tỏ “sự thất vọng” đối với quyết định của ông chủ Nhà Trắng. 

Đức tìm đồng minh mới

Trong khi ông Trump đưa ra tuyên bố tại Washington về việc nước Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris thì tại Berlin, Thủ tướng Đức tiếp đón người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi, sau đó là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Trọng tâm của mỗi chuyến thăm đều là cam kết tôn trọng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi hàng loạt hợp đồng kinh doanh trị giá nhiều tỷ USD đã được ký kết ở hậu trường. 

Sau chuyến thăm của ông Modi, bà Merkel chúc mừng Ấn Độ đã “tích cực thực hiện Hiệp định Paris”. Đáp lại, Thủ tướng Ấn Độ viết bằng tiếng Đức trên trang Twitter của mình rằng “Tôi chắc chắn chuyến thăm này sẽ dẫn tới những kết quả có lợi thông qua việc làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị Đức - Ấn Độ”. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cam kết giải quyết vấn đề ấm lên toàn cầu.

Cũng tại Berlin, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố “Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm quốc tế của mình” và “Trung Quốc sẽ đảm bảo chắc chắn cam kết của mình đối với cuộc chiến chống lại sự ấm lên của Trái Đất”, hướng đến từng bước đạt được những mục tiêu giảm khí thải.

Theo báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức), Trung Quốc đang cố gắng thể hiện là một cường quốc thế giới đáng tin cậy, đồng thời báo hiệu bắt đầu kết thúc kỷ nguyên của nước Mỹ. Báo này còn nhấn mạnh “Ông Trump không nên ảo tưởng. Nước Đức đang nỗ lực tìm những đồng minh mới trong lĩnh vực khí hậu và chính sách thương mại, như với Ấn Độ và Trung Quốc”. 

Chính sách đối phó biến đổi khí hậu từ lâu đã trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách của các cường quốc thế giới. Báo Spiegel Online của Đức đã có bài phân tích về những cơ hội mà các doanh nghiệp Đức cũng như chính sách đối ngoại của Berlin có được khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris.

Ngoài ra, Spiegel cũng đánh giá quyết định của ông Trump sẽ gây hậu quả bất lợi đối với tầm ảnh hưởng chính trị toàn cầu của nước Mỹ. Tờ báo cảnh báo Mỹ sẽ nhanh chóng cảm nhận được tác động của việc rút khỏi Hiệp định Paris, còn ông Trump thì đã "tự đẩy mình vào tình thế bất lợi đến nguy hiểm". 

(theo TTXVN)