📞

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan: Ông Obama "bán lúa non"

15:23 | 29/06/2011
Quyết định rút khoảng 30.000 quân Mỹ khỏi Afghanistan từ nay đến hết năm 2012 đã được ông Obama tuyên bố dõng dạc với phong thái của Tổng thống “mạnh mẽ về quốc phòng". Thế nhưng, đằng sau quyết định đó, nhiều người đang tự hỏi liệu đó có phải là một chiêu bài tranh cử của đương kim tổng thống Mỹ hay là do sự tự tin, lạc quan thái quá trước việc tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden.

Trong khi đó, những tướng lĩnh dày dạn trận mạc của Mỹ thì đang hết sức lo lắng về hậu quả của việc ông Obama "bán lúa non" như chính Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, thừa nhận "quyết định đó quá đường đột và kéo theo nhiều nguy cơ". Thực tế, việc gửi thêm 30.000 quân chi viện hồi tháng 12/2009 đã giúp cho Mỹ và đồng minh đạt được những bước tiến quan trọng trong cuộc chiến với Taliban, song để cho lực lượng quân đội và an ninh Afganistan tự đứng vững thì còn cần thêm nhiều thời gian hơn nữa.

Với kế hoạch rút quân của ông Obama, lực lượng Mỹ sẽ trở lại quy mô 70.000 người, đủ để giữ các trung tâm đô thị lớn và các tuyến đường, nhưng không đủ để đánh bại các chiến binh Taliban trên chiến trường, hay kiểm soát biên giới Afghanistan - Pakistan. Điều đó cũng có nghĩa, cuộc chiến này vẫn cứ bùng nhùng như khi ông Obama mới nhận chức. Tiến sỹ Tim Stanley trên tờ Telegraph, của Anh, so sánh kế hoạch này của ông Obama đang biến Afghanistan thành Việt Nam II khi tình trạng thiếu quân, nhiều khả năng sẽ khiến Mỹ sẽ gánh chịu những thất bại mới trên chiến trường trước các cuộc tấn công trong tương lai của Taliban. Vậy là "mèo lại hoàn mèo", khi những thành quả đạt được trước đó đã bị tiêu tán bởi các chỉ huy Mỹ không có đủ quân để giữ đất. Tương lai u ám càng cho thấy rõ mục đích cuối cùng của kế hoạch rút quân chỉ là một hiệu ứng tâm lý cấp thấp mà ông Obama muốn đem đến cho cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử năm 2012.

Trong khi đó, các nhà tham mưu của Lầu Năm Góc mong muốn được càng linh hoạt càng tốt để tiếp tục cuộc chiến Afghanistan và đang thúc giục chỉ rút số quân hỗ trợ không quá một sư đoàn, gồm các kỹ sư và công nhân đã tham gia các cơ sở cho quân đội Mỹ tại Afghanistan. Bằng cách này, các tư lệnh Mỹ sẽ tiếp tục có lực lượng chiến đấu lớn để chống lại Taliban trong 2 năm tới.

Tất nhiên, bản thân ông Obama cũng có những nỗi khổ khó nói hết được khi hơn 9 năm qua, Mỹ đã đổ vào khoảng 500 tỷ USD và mất hơn 1.500 quân tại Afganistan. Và dưới áp lực trong nước, Ông Obama cũng không còn cách nào khác là phải tuyên bố: "Đã đến lúc phải tập trung vào việc xây dựng đất nước". Với 44 triệu người Mỹ đang phải nhận phiếu thực phẩm, cơ sở hạ tầng bị phớt lờ, tỉ lệ thất nghiệp là 9,5%, khẩu hiệu mọi người thường nhắc đến bây giờ là "Tái thiết nước Mỹ, chứ không phải Afghanistan".

Song cũng giống như chuyện "đẽo cày giữa đường", ngay cả khi đã thỏa mãn yêu cầu của các cử tri trong việc rút quân, giảm chi phí cho quân sự thì chưa chắc ông Obama đã có được lợi thế trong cuộc tranh cử sắp tới nếu các giá phải trả cho những lính Mỹ được trở về nhà là có thêm nhiều đồng đội của họ sẽ gục ngã trong những cuộc tấn công bất ngờ, đầy chết chóc của Taliban xuất phát từ các căn cứ dọc vùng biên giới Pakistan - Afganistan.

Nước Mỹ, với máy bay ném bom B2, máy bay tấn công, tên lửa, trực thăng, máy bay không người lái, thiết bị điện tử siêu việt và các loại vũ khí công nghệ cao đã không thắng được 30.000 chiến binh bộ lạc được vũ trang chỉ bằng vũ khí hạng nhẹ và sự quyết tâm. Rõ ràng, Mỹ đã thua cuộc chiến chính trị tại Afghansitan và đang có nguy cơ thua nốt cả ở trên chiến trường.

Bảo Trâm