📞

Mỹ: Sắc lệnh mới cấm công dân 6 nước Hồi giáo nhập cảnh có gì mới?

08:26 | 09/03/2017
Theo thỉnh cầu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, sắc lệnh lần này sẽ không bao gồm Iraq để không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực hợp tác trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại đây. 

Ngày 6/3, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp mới cấm công dân của 6 nước Hồi giáo vào Mỹ, tiếp nối sắc lệnh hành pháp tương tự ngày 27/1, vốn đã bị bác bỏ bởi Tòa án Liên bang. Ngoài ra, so với sắc lệnh lần trước, sắc lệnh lần này đã được sửa đổi và sẽ được thực hiện 2 tuần sau khi được ban hành, để tránh gây ra tình trạng hỗn loạn và phản đối dữ dội tại các sân bay của nước Mỹ như sắc lệnh trước.

Một sắc lệnh "mềm mỏng" hơn?

Về cơ bản, trọng tâm của sắc lệnh hành pháp lần này vẫn tiếp tục lệnh cấm nhập cảnh 90 ngày đối với các công dân Hồi giáo, nhưng miễn trừ đối với những cư dân thường trú và những người đang có thị thực.

Sắc lệnh cũng bãi bỏ việc đưa ra trạng thái ưu tiên về ngôn ngữ cho các nhóm thiểu số tôn giáo đang bị ngược đãi, một động thái được cho là ưu tiên những người theo tôn giáo khác hơn là đạo Hồi. Ngoài ra, sắc lệnh cũng thay thế lệnh cấm vô thời hạn di dân từ Syria bằng một lệnh trì hoãn 120 ngày. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump kí sắc lệnh hành chính ngày 6/3. (Nguồn: NBCnews).

Nói về sắc lệnh hành pháp này, Tổng thống Trump tuyên bố: “Tôi không muốn họ (những kẻ khủng bố theo đạo Hồi) ở đây… Tôi muốn đảm bảo rằng, chúng ta không tiếp nhận những mối nguy hiểm mà những người lính của chúng ta ở nước ngoài đang cố gắng tiêu diệt. Chúng ta chỉ tiếp nhận những cư dân ủng hộ và có một tình yêu sâu sắc với nước Mỹ”.

Ông Trump kì vọng sắc lệnh hành pháp mới này có thể cắt giảm số người tị nạn sang Mỹ từ 110.000 người xuống còn 50.000 mỗi năm. Ông cũng để ngỏ khả năng đưa một số nước khác như Iraq trở lại danh sách nếu như nước này không chia sẻ thông tin tình báo hỗ trợ việc đánh bại IS.

Phản ứng của phe Dân chủ

Sắc lệnh hành pháp mới này tiếp tục bị phản đối mạnh mẽ bởi các Nghị sỹ đảng Dân chủ và những người ủng hộ quyền nhập cư. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, Thượng Nghị sỹ Chuck Schumer của bang New York cho rằng, sắc lệnh đã có sự giảm nhẹ so với lần trước, nhưng vẫn chỉ trích nó “hẹp hòi và đi ngược lại giá trị Mỹ”.

Giám đốc Điều hành của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Mỹ Margaret Huang thì tuyên bố sắc lệnh mới sẽ “gây sợ hãi và hoang mang cực độ cho hàng nghìn gia đình bằng cách biến những hận thù và tinh thần chống người Hồi giáo trở thành chính sách”.

New York Times thì nhận xét sắc lệnh hành pháp mang nặng sự kì thị tôn giáo nhưng lại thiếu tính hiệu quả. Cụ thể hơn, lệnh cấm chỉ nhắm đến những nước có đa số là người Hồi giáo, trong khi một số nước theo Thiên Chúa giáo, vốn được coi là “Thiên đường của Khủng bố” như Colombia, Philippines hay Venezuela lại không có trong danh sách. Hồi cuối tháng 1, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đưa ra kết luận rằng “Quốc tịch không phải là một yếu tố tin cậy trong việc xác định các kẻ khủng bố tiềm tàng”.

Tờ báo này đã viện dẫn ý kiến các cựu quan chức An ninh Quốc gia của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa cho thấy, lệnh cấm hồi tháng 1 sẽ không làm cho nước Mỹ trở nên an toàn hơn. 

New York Times cũng cho rằng, lệnh cấm sẽ trực tiếp làm tổn hại nước Mỹ, khi mà người Hồi giáo, chiếm 1% dân số, đã trở thành một phần không thể thiếu ngay từ khi khai sinh nước Mỹ. Hàng nghìn người Mỹ theo đạo Hồi đang đóng góp cho nước Mỹ không chỉ bằng công sức, trí tuệ mà còn bằng cả xương máu của mình. Việc kì thị một phần của nước Mỹ, sẽ khiến hình ảnh và uy tín của nước Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và để lại hậu quả lâu dài.

(theo New York Times)