Đường phố ở Homs, Syria trở nên hoang tàn sau các trận giao tranh (Nguồn: Reuters). |
Ông Kerry khẳng định các bên cần phải đàm phán để đưa cuộc khủng hoảng Syria tới hồi kết, đồng thời Mỹ sẽ đàm phán theo khuôn khổ hội nghị hòa bình về Syria tại Geneva (Thụy Sỹ) hồi tháng 6/2012.
“Để có thể khiến ông Assad ngồi vào bàn đàm phán, tất cả chúng ta cần phải thể hiện rõ ràng quyết tâm tìm kiếm một giải pháp chính trị”, Ngoại trưởng Mỹ nói. Tuy nhiên, theo ông Kerry, “việc này có thể buộc phải gây áp lực lên ông Assad theo nhiều cách thức khác nhau”.
Tháng trước, Nga đã bày tỏ hy vọng sẽ tổ chức một vòng đàm phán mới về cuộc khủng hoảng tại Syria. Bên cạnh đó, Nga từng tuyên bố sẵn sàng giàn xếp một cuộc gặp Mỹ - Syria nếu chính quyền Damascus đề nghị và nếu Syria muốn cuộc gặp này diễn ra tại Moscow, Nga sẽ thảo luận vấn đề này với Mỹ và các bên liên quan.
Trong một diễn biến liên quan, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan ngày 13/3 nói rằng Washington không muốn chứng kiến chính quyền đương nhiệm ở Syria sụp đổ bởi điều này có thể mở đường cho sự trỗi dậy của các phần tử Hồi giáo cực đoan.
“Tôi nghĩ đây là một mối lo ngại hoàn toàn hợp lý. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và al-Qaeda đang trỗi dậy tại nhiều khu vực ở Syria và có thể tiến thẳng đến thủ đô Damascus”, ông Brennan nói.
Mới đây, chính quyền Washington cho biết họ đang có kế hoạch cung cấp một gói viện trợ phi sát thương bổ sung trị giá khoảng 70 triệu USD cho phe đối lập ở Syria. Nếu được Quốc hội thông qua, khoản viện trợ mới này sẽ đưa tổng trị giá viện trợ mà Mỹ dành cho lực lượng đối lập Syria từ năm 2011 lên tới gần 400 triệu USD.
Cho đến nay, Mỹ và một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Đan Mạch vẫn bác bỏ vai trò cầm quyền hợp pháp của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu khác như Thụy Điển, Áo, Tây Ban Nha, Czech, Ba Lan cho rằng họ không thấy có lợi ích để cô lập ông Assad. Thậm chí, phe đối lập ở Syria hiện nay cũng không còn yêu cầu ông Assad phải “ra đi” như là điều kiện tiên quyết cho đàm phán hòa bình.
Theo báo cáo của Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), đã có ít nhất 215.518 người thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua ở Syria; trong số đó có 66.000 dân thường, với 10.808 trẻ em và gần 7.000 phụ nữ. Tuy nhiên, Giám đốc SOHR Rami Abdel Rahman cho biết những con số này là chưa đầy đủ bởi có hàng chục nghìn người, kể cả dân thường lẫn các tay súng, được xem là mất tích. Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) cho rằng cuộc xung đột tại Syria đã dẫn tới thảm họa nhân đạo lớn nhất trong thời đại này. |
Q.C (tổng hợp)