📞

Mỹ sẽ tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria

16:40 | 11/09/2015
Dưới áp lực quốc tế phải hỗ trợ làm dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo tại châu Âu, ngày 10/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu các cơ quan liên bang tiếp nhận ít nhất 10.000 người tị nạn Syria trong năm tài khóa 2016.
Tổng thống Obama chỉ đạo chính quyền tiếp nhận ít nhất 10.000 người tị nạn từ Syria trong năm tới. (Nguồn: Los Angeles Times)

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Tổng thống Obama đã yêu cầu giới chức Mỹ nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, bao gồm tăng số lượng tiếp nhận người tị nạn Syria lên 10.000 người trong năm tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1/10 tới.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều chỉ trích rằng, nước Mỹ hành động chưa đủ mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Con số 10.000 người tị nạn cao gấp 6 lần số người tị nạn được Mỹ tiếp nhận trong năm nay, nhưng vẫn thấp hơn con số mà các nhóm nhân quyền và các nước yêu cầu.

Ông Earnest mô tả con số 10.000 là một “mục tiêu tham vọng”, phản ánh áp lực gia tăng mà Washington phải đối mặt trong việc đưa ra phản ứng nhanh nhạy hơn với cuộc khủng hoảng nhân đạo, vốn xuất phát từ cuộc xung đột vũ trang tại Syria, cũng như ở các nước láng giềng của Syria. Ông cũng kêu gọi các quốc gia khác ở châu Âu và Trung Đông – bao gồm cả một vài nước không hoan nghênh người tị nạn – tăng thiện chí tiếp nhận người tị nạn Syria.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đánh giá thế nào khi các nước châu Âu tuy nhỏ hơn nhưng lại tiếp nhận số lượng người tị nạn lớn hơn, ông Earnest giải thích rằng con số 10.000 người cho thấy cam kết mạnh mẽ hơn của Mỹ song việc tiếp nhận cũng cần phù hợp với khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản như chăm sóc y tế, nơi ở, thực phẩm, trường học... Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết, khoản tiền khoảng 4 tỷ USD mà chính quyền Mỹ cung cấp cho các tổ chức cứu trợ là cách hiệu quả nhất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Cho đến nay, Mỹ vẫn bị xem là “đi sau” trong nỗ lực hỗ trợ người tị nạn, phần nhiều là do các thủ tục phức tạp chiếm nhiều thời gian, được đưa ra nhằm ngăn chặn các chiến binh và tội phạm người Hồi giáo thâm nhập vào lãnh thổ Mỹ.

Trong khi chỉ có khoảng 1.600 người Syria đến Mỹ kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu thì Đức - một nước có chưa đầy 80 triệu dân, đã cho biết sẽ tiếp nhận khoảng 800.000 người xin tị nạn trong năm nay. Nhiều quan chức cứu trợ và chính phủ châu Âu đã yêu cầu Mỹ - nước có quy mô lớn gấp bốn lần nước Đức và có truyền thống cởi mở với người nhập cư, “mở lòng hơn”. David Miliband, Chủ tịch Ủy ban Cứu trợ Quốc tế và cựu Ngoại trưởng Anh, đã yêu cầu Mỹ chấp nhận 65.000 người Syria vào năm tới.

Nhiều nước châu Âu và một số nhà lập pháp Mỹ chỉ trích chính quyền của Tổng thống Obama phản ứng đủ không mạnh với cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. Ngày 8/9, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng, Mỹ phải có trách nhiệm đối với cuộc nội chiến ở Syria và phải trả giá cho làn sóng người tỵ nạn từ nước này.

Trong năm tài khóa 2015, Mỹ cam kết chỉ đón nhận 1.800 người tỵ nạn Syria, quá ít so với tổng số 11,6 triệu người bị mất nhà cửa và phải chạy đi lánh nạn trong cuộc nội chiến kéo dài 4 năm rưỡi qua ở quốc gia Trung Đông này. Mỹ hiện giới hạn số lượng tiếp nhận người tị nạn ở mức 70.000 người/năm. Hạn ngạch này phải căn cứ theo luật do Quốc hội Mỹ thông qua.

N.K (tổng hợp)