Những con sư tử biển có thể bị chất độc của tảo làm tổn hại não. (Nguồn: Flickr) |
“Tảo độc nở hoa” không phải hiện tượng bất thường, nhưng năm nay là đợt tảo nở bùng phát lớn nhất trong lịch sử, kéo dài suốt mùa Hè, trên diện rộng - từ Santa Barbara đến Alaska. Thông thường, hiện tượng này thường xảy ra vào mùa Xuân và chỉ diễn ra trong một vài tuần.
Từ lâu, người ta đã biết một chất độc gọi là axit domoic, được sinh ra từ loài tảo biển pseudo-nitzschia, có thể làm chết các tế bào não. Nhưng phát hiện mới của nhóm nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Santa Cruz ở California đã làm sáng tỏ thêm mối liên quan giữa việc não bị tổn hại do chất độc này với việc sư tử biển bị suy giảm trí nhớ và kỹ năng định hướng.
Trong những năm gần đây, các nhà sinh vật học đã quan sát thấy một số lượng lớn sư tử biển California vật vã, yếu đuối và run rẩy trên bãi biển.
"Chúng gặp rất nhiều khó khăn trong việc định hướng và tìm kiếm thức ăn. Chúng không cảm nhận được hướng đi” - Peter Cook -người đã trình bày những phát hiện trên tại một hội nghị gần đây ở San Francisco về các loài động vật biển có vú, cho biết.
Năm nay, hiện tượng tảo độc nở hoa gây ra ảnh hưởng chưa từng có cho việc đánh bắt cua thương mại ở California. Các độc tố do tảo sinh ra cũng đã ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển khác, cụ thể là chuỗi thức ăn từ nghêu, cá cơm và các loài cá nhỏ khác cho đến sư tử biển, một trong những loài động vật săn mồi hàng đầu ở vùng nước ven biển.
Đây là lần đầu tiên, hiện tượng sư tử biển bị bệnh đã được ghi nhận ở không chỉ ở California mà còn ở Oregon và Washington.
Trung Hiếu (tổng hợp)