Dù có lực lượng quân sự rất mạnh, Mỹ thừa nhận chưa sẵn sàng trước các cuộc chiến tranh trong tương lai. (Ảnh minh họa) |
Trong năm tài chính 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu cấp 3,2 tỷ USD để phát triển vũ khí siêu thanh. Trong năm tài chính 2022, số tiền này dự kiến sẽ tăng 18,8%.
Bất chấp kinh phí tài trợ như vậy, quân đội Mỹ vẫn chưa có hệ thống vũ khí siêu thanh nào được đưa vào sử dụng.
Báo cáo trên cho thấy, thời gian phát triển của các tổ hợp siêu thanh không thay đổi.
Cụ thể, lực lượng mặt đất của Mỹ có thể đến tận năm 2023 mới nhận được một nguyên mẫu tổ hợp vũ khí siêu thanh tầm xa (Long-Range Hypersonic Weapon, LRHW) và chương trình này dự kiến hoàn thành vào năm tài chính 2024.
Trong khi đó,Hải quân Mỹ đến năm tài chính 2025 sẽ nhận được các mẫu vũ khí đầu tiên của tổ hợp siêu thanh Conventional Prompt Strike (CPS) lắp đặt trên tàu ngầm lớp Ohio, và đến năm 2028, CPS sẽ được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia Block V.
Theo báo cáo, Không quân Mỹ sẽ là lực lượng đầu tiên được trang bị vũ khí siêu thanh: Tên lửa AGM-183 thuộc dự án Vũ khí phản ứng nhanh phóng trên không (Air-Launched Rapid Response Weapon - ARRW) sẽ được triển khai vào năm tài chính 2022.
Không quân Mỹ đã yêu cầu cấp kinh phí để mua 12 tên lửa ARRW đầu tiên. Những tên lửa này sẽ được triển khai ở chế độ sẵn sàng hoạt động sơ cấp.
Các chuyên gia phân tích của Quốc hội Mỹ cũng phản ánh sự tiến bộ của Nga trong quá trình phát triển các hệ thống vũ khí siêu thanh. Ví dụ như thông tin về việc tên lửa siêu thanh Kinzhal phóng từ trên không đã được triển khai trực chiến thử nghiệm từ năm 2017.
Thông tin đầu tiên về các vụ thử tên lửa siêu thanh Zircon của Nga đã xuất hiện trong báo cáo của Mỹ vào năm 2019.
Tại diễn đàn Army 2021, Bộ Quốc phòng Nga đã ký kết với Liên hiệp khoa học sản xuất chế tạo máy (NPO) hợp đồng đầu tiên cung cấp loại tên lửa nói trên.