Hải quân Mỹ có kế hoạch loại tiêm kích hạm F/A-18E/F vào đầu những năm 2030. (Nguồn: National Interest.) |
Máy bay chiến đấu này phải là một thiết kế có tổ lái, với tầm bay lớn hơn F-35 tới 50%. Tầm bay xa hơn sẽ giúp các phương tiện Thống trị trên không thế hệ tiếp theo (Next Generation Air Dominance - NGAD) có thể chiến đấu xa tàu sân bay hơn, giúp con tàu lớn tránh xa tầm bắn của vũ khí như tên lửa đạn đạo chống hạm của đối phương.
Nhảy khi nước đã đến chân
Trên các tàu sân bay của Hải quân Mỹ thường có 4 phi đội máy bay chiến đấu phản lực. Hiện tại, cả 4 phi đội đều được biên chế tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet. Trong thập kỷ tới, Hải quân sẽ thay những chiếc Super Hornet cũ bằng biến thể F-35, F-35C dùng cho tàu sân bay. Trước những năm 2030, Không quân của Hải quân Mỹ sẽ gồm 2 phi đội Super Hornet nâng cấp, Block III và 2 phi đội F-35C.
Tiêm kích F-35 đã mất hơn hai thập kỷ để phát triển từ bản vẽ thành hiện thực. Trong thời gian đó, Mỹ từ vị trí là siêu cường duy nhất không bị thách thức bởi đối thủ nào cho đến hiện tại, khi một nước Nga hồi sinh và quân đội Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ như những đối thủ chiến lược. Ngay từ đầu, F-35 đã bị chi phối bởi những lựa chọn thiết kế có ý nghĩa trong thời kỳ không cạnh tranh, chẳng hạn như tầm bay tương đối ngắn, tốc độ siêu âm thấp và khoang vũ khí bên trong nhỏ…
Hải quân Mỹ muốn có một máy bay chiến đấu mới để thay thế Block III vào những năm 2030. Theo USNI News, lực lượng này đã lập chương trình giám sát việc phát triển tiêm kích hạm, được gọi là NGAD, sẽ là máy bay chiến đấu mới của Lầu Năm Góc sau F-35. Nếu vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Lầu Năm Góc biết những gì họ mà sẽ đương đầu hiện nay, có thể họ đã yêu cầu về một chiếc F-35 hoàn toàn khác.
Nhiều yêu cầu trong một thiết kế
Chương trình NGAD theo đuổi mục tiêu tạo ra một tiêm kích hạm mới hoàn toàn, mặc dù thực tế là Hải quân được đề xuất kết hợp thiết kế của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 và F/A-18 với các công nghệ hiện đại để tạo ra máy bay tương lai. Đồng thời, xác định rằng, trong thiết kế sẽ tính đến các tính năng của F-35C, nhưng với máy bay mới, tất cả những khiếm khuyết vốn có của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm phải được khắc phục.
Hải quân Mỹ dự tính tiêm kích mới phải có bán kính chiến đấu ít nhất là 1.000 hải lý, có thể sẽ được sản xuất với các phiên bản một và hai chỗ ngồi, cũng có thể có phiên bản không người lái; có thể là một máy bay hai động cơ, đa nhiệm, có khả năng thực hiện các vai trò không đối không và không đối đất trong cùng một lần xuất kích; có khả năng tàng hình, kết hợp công nghệ giảm thiểu tín hiệu radar mới nhất; gần như chắc chắn sẽ là một chiếc máy bay lớn, vừa để chứa các thùng nhiên liệu lớn hơn và một khoang lớn hơn chứa vũ khí bên trong.
Trong khi máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba và thứ tư có thể dễ dàng mở rộng tầm bay và tải trọng vũ khí bằng cách treo thùng nhiên liệu và và vũ khí ngoài thân máy bay và cánh, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và thứ sáu phải mang cả hai thứ này bên trong nhằm bảo toàn tính năng tàng hình của máy bay. Máy bay chiến đấu mới hơn có thể có tầm bay ngắn hơn và mang ít vũ khí hơn, nhưng đó là sự cân bằng có tính toán để đảm bảo máy bay và phi công có khả năng sống sót cao.
Giải pháp khi tài chính eo hẹp
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, gồm F-22, F-35, Su-57 của Nga và J-20 của Trung Quốc là những cỗ máy vô cùng phức tạp, cần một thập kỷ hoặc lâu hơn để phát triển. Hiện tại, các chuyên gia tin rằng ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2022 sẽ thay đổi hoặc bị cắt giảm 5%, tùy thuộc vào việc đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ tiếp quản Nhà Trắng. Quy mô thâm hụt ngân sách liên bang và tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế chắc chắn sẽ tác động đến ngân sách quốc phòng của Mỹ trong thập kỷ này.
Việc phát triển một máy bay chiến đấu mới khó hơn nhiều so với nửa thế kỷ trước và có thể sẽ có ít kinh phí hơn để thực hiện so với dự toán của Hải quân. Có ý kiến cho rằng, áp lực về thời gian và ngân sách đang bắt đầu ảnh hưởng lên chiếc máy bay mới. Do đó, Hải quân cuối cùng có thể buộc phải chấp nhận một phiên bản phái sinh của F-35. General Electric - công ty đang phát triển động cơ chu trình thích ứng cho F-35 - tin rằng, động cơ mới sẽ tăng phạm vi hoạt động của máy bay phản lực thêm 35%.
Việc thiết kế lại một phần thân máy bay F-35 có thể tăng dự trữ nhiên liệu, cho phép máy bay mới đạt được mục tiêu tăng tầm bay 50% và việc cập nhật về hệ thống điện tử hàng không, máy tính và thậm chí cả vũ khí laser trên máy bay của F-35 sẽ hoàn thiện và máy bay có thể được gọi là F-35D.
Nhiệm vụ được gọi là Trấn áp Hệ thống phòng không của đối phương (Suppression of Enemy Air Defenses - SEAD) rất quan trọng khi tấn công một đối thủ có hệ thống phòng không mạnh. Máy bay tấn công điện tử EA-18G Growler, có nguồn gốc từ máy bay chiến đấu F-18 Super Hornet, là một trong số ít máy bay quân sự được thiết kế với khả năng chuyên gây nhiễu và thậm chí tiêu diệt các hệ thống radar của đối phương.
USNI News đưa tin, Hải quân đang thành lập một văn phòng chương trình mới NGAD và đang tổ chức các cuộc thảo luận sớm với các nhà thầu quốc phòng quan trọng. Đây sẽ là một nỗ lực trị giá hàng tỷ USD để thay thế không chỉ F/A-18/E một chỗ ngồi và F/A-18/F hai chỗ ngồi, mà còn cả EA-18G Growlers tấn công điện tử vào đầu những năm 2030, tập trung ứng phó các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Giới chuyên gia nhận định, bằng cách cắt giảm Super Horne, Hải quân Mỹ có thể tiết kiệm khoảng 4,5 tỷ USD trong kế hoạch ngân sách 5 năm - cho máy bay mới. Tuy nhiên, một báo cáo tháng 1 năm nay từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính, Hải quân có thể chi tới 67 tỷ USD để thay thế phi đội F/A-18E/F từ năm 2032 đến năm 2050 và 22 tỷ USD khác để thay thế các EA-18G Growler.
Theo các chuyên gia, giải pháp khả thi để giải quyết một số vấn đề, đặc biệt là phạm vi hoạt động của máy bay tấn công, là kết hợp nó với một hệ thống không người lái có thể cho phép phi công đến “đủ gần” mục tiêu và cho phép hệ thống không người lái đối phó hệ thống phòng không tầm xa của đối phương. Điều đó có thể cho phép hạm đội và máy bay của Mỹ vượt xa khả năng tấn công đáp trả của kẻ thù trong khi các hệ thống không người lái có thể rẻ hơn nhiều so với máy bay chiến đấu.