Đây là cuộc biểu tình mới nhất liên quan đến căng thẳng sắc tộc tại Mỹ sau các vụ biểu tình bạo loạn kéo dài trong nhiều ngày tại hai thành phố Charlotte và Tulsa để lên án các vụ việc tương tự.
Theo Mapping Violence (Mỹ), cảnh sát Mỹ đã sát hại ít nhất 217 người da màu trong năm 2016. (Nguồn: Reuters) |
Những người biểu tình yêu cầu mở cuộc điều tra liên bang vụ Alfred Olango, 38 tuổi, một người tị nạn Uganda, bị cảnh sát bắt chết vào chiều 27/9 tại El Cajon. Nhiều người cho rằng, hành vi của cảnh sát trong vụ này là thiếu công bằng và phân biệt chủng tộc.
Vụ việc trên xảy ra khi hai cảnh sát nhận được thông báo về một người có dấu hiệu thần kinh không ổn định gây cản trở giao thông ở thị trấn El Cajon.
Theo cảnh sát trưởng thị trấn Jeff Davis, người đàn ông này - được xác định là ông Olango - đã phớt lờ lời kêu gọi của cảnh sát bỏ tay khỏi túi quần và nhanh chóng rút ra một đồ vật. Người này sau đó có chắp hai tay vào nhau và có tư thế như cầm súng nhằm bắn cảnh sát.
Một cảnh sát ngay lập tức bắn súng laser vào người này, trong khi viên cảnh sát còn lại nổ súng. Sau khi khám xét hiện trường, cảnh sát đã không tìm thấy vũ khí và cũng không tiết lộ đồ vật mà ông Olango mang theo mình.
Nhằm tránh lặp lại tình trạng bạo loạn tại thành phố Charlotte và Tulsa hồi tuần trước, Cảnh sát trưởng Davis đã yêu cầu người dân bình tĩnh, đồng thời cam kết vụ việc sẽ được điều tra làm rõ với sự vào cuộc của cảnh sát địa phương và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Theo ông Davis, hai cảnh sát liên quan đến vụ việc trên đã có thâm niên 20 năm trong nghề và hiện đang bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Bên cạnh đó, cảnh sát cũng công bố hình ảnh từ một camera ghi lại cảnh ông Olango đang trong tư thế nhằm bắn hai viên cảnh sát. Một số nguồn tin còn cho hay ông này có vấn đề về tâm thần và đã bị một cơn co giật trước khi bị bắn.
Trước đó, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn đường phố tại thành phố Charlotte và Tulsa nhằm phản đối việc cảnh sát da trắng bắn chết người da màu. Đặc biệt, tại Charlotte, ít nhất 16 cảnh sát và một số người tham gia biểu tình bị thương. Chính quyền thành phố Charlotte đã buộc phải ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố trong 3 ngày.