Tàu sân bay USS John C.Stennis. (Nguồn: Stennis.navy.mil) |
Thông báo trên tờ Navy Times (Mỹ) cho biết, đợt triển khai này "là sự biểu dương lực lượng mới nhất của Hải quân Mỹ tại khu vực đang có tranh chấp" sau khi Washington cáo buộc Trung Quốc "quân sự hóa" các vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Phía Mỹ cho rằng việc Bắc Kinh triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tân tiến tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vừa qua là hành động gây nguy hại đến các tuyến đường biển quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như làm phức tạp tình hình các tranh chấp đang tồn tại trong khu vực.
Theo báo cáo của phía Mỹ, soái hạm USS Blue Ridge sẽ được hộ tống bởi đoàn tàu hộ vệ gồm tàu sân bay hạt nhân USS John C.Stennis, hai tuần dương hạm Antietam và Mobile Bay cùng hai khu trục hạm Chung-Hoon và Stockdale. Trong đó, tuần dương hạm Antietam sẽ tiến hành nhiệm vụ "tuần tra thông thường" tách biệt với tàu Stennis, với cùng lộ trình như các tàu khu trục McCambell và tàu Ashland đã tiến hành hồi cuối tháng Hai.
Đoàn tàu Hải quân Mỹ được triển khai sau sự kiện ngày 2/3 khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc công khai xác nhận đã cử tàu đến bãi đảo Hải Sâm (Quirino Atoll) thuộc quần đảo Trường Sa và đuổi ngư dân Philippines đang hoạt động tại đây.
Chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương Clay Doss cho biết: "Tàu và máy bay của chúng tôi hoạt động thường xuyên dọc khu vực Tây Thái Bình Dương - bao gồm cả vùng Biển Đông, trong nhiều thập kỷ qua". Chỉ huy Clay nói thêm, chỉ trong năm 2015, Hạm đội Thái Bình Dương đã tiến hành tổng số khoảng 700 ngày tuần tra tại vùng Biển Đông.
Truyền thông Philippines dẫn lời cựu Đại úy Hải quân Mỹ Jerry Hendrix, hiện là một nhà phân tích của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), nhận định: "Rõ ràng Hải quân và Bộ Quốc phòng Mỹ đã thể hiện đầy đủ cam kết với sự hiện diện và tự do hàng hải trong khu vực". Ông nói thêm rằng, việc triển khai soái hạm và một nhóm đầy đủ các tàu tấn công cho thấy khả năng hiện diện cũng như sức mạnh toàn cầu của nước Mỹ.