Hình ảnh một vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên trên truyền hình nước này. (Ảnh Reuters) |
Theo một nhà ngoại giao của Hội đồng Bảo an, nghị quyết được mô tả là văn bản nghiêm khắc nhất đối với Bình Nhưỡng.
Văn bản của Nghị quyết vẫn chưa được công bố nhưng sẽ có khả năng được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an “trong vài ngày tới”, để các nước thành viên khác có cơ hội cân nhắc về ngôn từ của Nghị quyết, nhà ngoại giao trên cho biết.
“Đã có nhiều điểm cản trở giữa Mỹ và Trung Quốc… nhưng hiện hai nước đã đi đến thỏa thuận”, nhà ngoại giao này nói.
Cũng trong ngày 24/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp tại Nhà Trắng. Theo Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia (Mỹ) Ned Price, tại cuộc gặp, bà Susan Rice và ông Vương Nghị đã nhất trí về "tầm quan trọng của sự phản ứng mạnh mẽ và thống nhất của quốc tế đối với các hành động của Triều Tiên, trong đó có cả việc thông qua một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mạnh hơn các nghị quyết trước đó." “Họ nhất trí sẽ không chấp nhận Triều Tiên là nước có vũ khí hạt nhân”, tuyên bố của ông Ned Price cho biết.
Cũng theo tuyên bố này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tham gia cuộc gặp trên và bày tỏ mong chờ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tham dự một hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân diễn ra từ ngày 31/3-1/4 tại Washington.
Hồi đầu tháng Một, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch trong vụ nổ hạt nhân lần thứ tư của nước này. Các quan chức Mỹ ban đầu tỏ ra hoài nghi về thông tin Triều Tiên công bố, nhưng sau đó khẳng định có thể nước này đã thử một phần của một quả bom nhiệt hạch và vụ thử đã thất bại. Tiếp đó ngày 7/2, Bình Nhưỡng lại tuyên bố phóng thành công vệ tinh vào quỹ đạo thông qua tên lửa tầm xa Kwangmyongsong. Cả hai vụ thử hạt nhân và phóng vệ tinh đều được thực hiện trong bối cảnh nước này vẫn chịu các lệnh trừng phạt quốc tế.