Thủ tướng Keir Starmer trong cuộc gặp riêng đầu tiên với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng, tháng 7/2024. (Nguồ: AFP) |
Ngày 13/9, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 3 thực thể của Nga mà Wahington cáo buộc dính líu hành động gây bất ổn ở nước ngoài gồm tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya và Tổng Giám đốc Dmitry Kisilyov, mạng truyền hình TV-Novosti, tổ chức phi chính phủ Eurasia và Giám đốc Nelly Parutenko.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ các biện pháp trừng phạt nhắm vào 2 cá nhân và 3 thực thể “do liên quan đến những hành động gây bất ổn của Nga ở nước ngoài”. Mỹ cáo buộc những cá nhân và tổ chức nêu trên dính líu đến các hoạt động đưa tin thông qua “năng lực không gian mạng” ở các khu vực như châu Âu, châu Phi, Bắc và Nam Mỹ.
Nhà chức trách Mỹ khẳng định không chống lại 2 cá nhân và 3 thực thể của Nga “vì nội dung mà họ đưa tin”, mà nhằm vào “những hoạt động (bị cho là) gây ảnh hưởng ngầm” vốn “không thuộc về nghề báo”. Washington cho rằng 3 cơ quan truyền thông này đã phối hợp chặt chẽ những nỗ lực mà các quan chức cấp cao Nga giao phó.
Trong một diễn biến liên quan đến xung đột ở Ukraine, trong cuộc hội đàm ở thủ đô Washington cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer đã tái khẳng định lập trường ủng hộ kiên định dành cho Ukraine và lên án sự hợp tác giữa Nga, Iran, Triều Tiên và Trung Quốc.
Biên bản cuộc hội đàm do Nhà Trắng công bố có đoạn: “Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận sâu rộng về một loạt vấn đề chính sách đối ngoại cùng quan tâm. Hai bên đã tái khẳng định lập trường ủng hộ kiên định dành cho Ukraine”.
Ngoài ra, hai ông Biden và Starmer còn thảo luận về hợp tác Mỹ - Anh trong lĩnh vực năng lượng sạch và công nghệ tiên tiến, thỏa thuận an ninh 3 bên AUKUS với Australia cũng như các cơ hội để tăng cường quan hệ kinh tế song phương.