Trừng phạt Nga làm suy yếu sự thống trị của đồng USD trong thương mại dầu mỏ quốc tế. (Nguồn: 112 UA) |
Hầu hết các giao dịch với Ấn Độ - thị trường dầu mỏ chính của Nga qua đường biển - đều được thực hiện bằng các loại tiền tệ khác, không phải USD.
Thương mại dầu mỏ ở Ấn Độ sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là một ví dụ điển hình về quá trình chuyển đổi tiền tệ có thể chứng minh tính bền vững.
Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới và Nga trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Ấn Độ sau khi châu Âu không mua dầu của nước này như một phần của lệnh trừng phạt.
Các nguồn tin ngân hàng cho biết, kể từ khi giá trần đối với dầu thô của Nga được áp dụng từ ngày 5/12/2022, người tiêu dùng Ấn Độ đã thanh toán hầu hết dầu của Nga bằng các loại tiền tệ không phải USD, bao gồm cả đồng Dirham và đồng Ruble.
Các nguồn tin cho biết thêm rằng, các giao dịch Ấn Độ trong ba tháng qua mua tương đương vài trăm triệu USD dầu Nga.
Một số nhà giao dịch ở Dubai, cũng như các tập đoàn năng lượng Gazprom và Rosneft của Nga, đang hướng đến các khoản thanh toán không dùng đồng USD cho một số loại dầu nhất định của nước này trong những tuần gần đây.
Trả tiền mua dầu bằng USD từng là một thông lệ gần như phổ biến trong nhiều thập kỷ. Để so sánh, theo thông tin từ hệ thống thanh toán Mạng lưới Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng (SWIFT) cho tháng 1/2023, tỷ lệ giao dịch đồng USD trong tổng khối lượng thanh toán quốc tế là 40%.
Ông Daniel Ahn, thành viên tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson cho rằng, sức mạnh của đồng USD là vô song, tuy nhiên các biện pháp trừng phạt có thể làm suy yếu hệ thống tài chính của phương Tây.
Còn theo bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, các biện pháp trừng phạt Nga có thể làm suy yếu sự thống trị của đồng USD bằng cách khuyến khích thành lập các khối thương mại nhỏ hơn sử dụng các loại tiền tệ khác.