Trong cuộc chiến bán dẫn, năm 2022, Mỹ được cho đang giành điểm trước Trung Quốc, khi tạm thời đẩy lùi Bắc Kinh 1 bậc trong tham vọng chip. (Nguồn: SCMP) |
Lùi một bước?
Chiến lược gia Trung Quốc Wang Xiangsui đã xuất bản một cuốn sách vào năm 2017 có tựa đề “Một trong ba: Vai trò của Trung Quốc trong một thế giới tương lai”, trong đó ông mô tả một tương lai toàn cầu chứng kiến ba khối chính xuất hiện: Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.
Mượn một trang trong tác phẩm văn học cổ điển Tam Quốc Chí của La Quán Trung, ông Wang nói rằng, Trung Quốc sẽ nắm quyền lãnh đạo khối toàn châu Á. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh luận về việc liệu Bắc Kinh có đang thiết lập chiến lược của mình dựa trên suy nghĩ của GS. Wang hay không?... nhưng điều rõ ràng được giới quan sát đề cập là nỗ lực dẫn đầu chuỗi cung ứng khu vực, để đối trọng với sự quyết đoán của Washington nhằm hạn chế tham vọng công nghệ của họ.
Như tờ Scmp bình luận, Trung Quốc đã tạo ra các cơ chế như “10+3”, cụ thể là 10 thành viên ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi “vận động” người châu Âu – khối thứ ba – không tuân theo chính sách của Mỹ.
Nhưng năm vừa qua đã chứng kiến sự xuất hiện của một liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp cận với các con chip tiên tiến – cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ điện thoại thông minh mới nhất đến các hệ thống vũ khí tiên tiến. Khi Washington dần xây dựng một cơ chế kiểm soát xuất khẩu nhắm vào Trung Quốc, tận dụng lợi thế và tầm ảnh hưởng của Mỹ, Bắc Kinh có vẻ ngày càng tỏ ra bị cô lập.
Theo giới phân tích, thời gian tới, Bắc Kinh còn gặp khó khăn trong 'cuộc chiến công nghệ' này và nỗ lực thành lập một liên minh chip ở châu Á đang tạm thời chững lại, khi Washington dự kiến tiếp tục siết chặt các quy định vào năm 2023.
Như Wei Shaojun, một quan chức cấp cao của Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn Trung Quốc, đại diện cho ngành công nghiệp chip trong nước, cho biết tại một hội nghị công nghiệp tuần này rằng ngành công nghiệp chip của Trung Quốc sẽ không chết trong một sớm một chiều, nhưng nó cũng không thể giành được chiến thắng dễ dàng trong cuộc chiến này.
Cạnh tranh cùng tồn tại hay quyết ngăn chặn
Nhu cầu chất bán dẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh với việc triển khai rộng khắp các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử, công nghệ sinh học, Internet vạn vật và các công nghệ khác sau khi mạng viễn thông thế hệ mới 5G trở nên phổ biến.
Theo nhận định của cựu Tổng biên tập nhật báo Asahi Shimbun (Nhật Bản)- Yoichi Funabashi, nhu cầu đối với chất bán dẫn trên toàn cầu đã tăng lên do các quốc gia đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số khi đại dịch bùng phát và thúc đẩy xu hướng chuyển đổi xanh sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Vào đầu tháng 10/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu rộng lớn hơn đối với các chất bán dẫn tiên tiến. Những hạn chế mới này nhắm vào các cơ sở sản xuất, cung cấp dịch vụ và cả việc đưa các chuyên gia kỹ thuật Mỹ đến Trung Quốc.
Cạnh tranh và cùng tồn tại là nguyên tắc cơ bản hình thành nên chiến lược đối phó với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tuy nhiên, như cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã nhận xét, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình có đặc điểm là chính trị theo đường lối cánh tả của chủ nghĩa Lênin, kinh tế đi theo cánh tả chủ nghĩa Mác và chính sách đối ngoại thì theo cánh hữu dân tộc chủ nghĩa. Trung Quốc đã cố gắng thu hút và chi phối chuỗi cung ứng toàn cầu để tạo nên một thị trường mang đặc tính của “vòng tuần hoàn bên trong” của Trung Quốc.
Theo bài viết, để ứng phó với chiến lược này, Mỹ và các đồng minh nên theo đuổi một hình thức “tách rời” về địa chính trị để tránh liên kết công nghệ cao và các quy trình sản xuất sử dụng công nghệ cao với Trung Quốc. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn gần đây của chính quyền Tổng thống Biden là một trong những nỗ lực như vậy.
Dần dần, bản chất của chính sách “cạnh tranh cùng tồn tại” của Mỹ đang lộ rõ. “Cùng tồn tại” có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh, còn “cạnh tranh” có nghĩa là tạo ra các quy tắc và thỏa thuận cho phép cạnh tranh tự do và công bằng, đảm bảo không gian cùng tồn tại của cả hai bên. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là ngăn chặn Trung Quốc chuyển đổi công nghệ dân sự sang mục đích quân sự.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, các hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn vào tháng Mười xuất phát từ quan điểm rằng về lâu dài, “nước Mỹ phải duy trì vị trí dẫn đầu (trước Trung Quốc) càng xa càng tốt”.
Tóm lại, Mỹ muốn thiết lập vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực chất bán dẫn tiên tiến, nước này không chỉ cố gắng “đi nhanh hơn” mà còn cản trở khả năng tiến xa của Trung Quốc. Ít nhất, khi nói đến chất bán dẫn, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đang chuyển đổi từ “cạnh tranh cùng tồn tại” sang một chiến lược gần với “ngăn chặn”.
Trên thực tế, Trung Quốc đã là một “siêu cường” về AI ngang với Mỹ. Tuy nhiên, để sử dụng AI, các doanh nghiệp và chính phủ cần có dữ liệu, thuật toán và khả năng tính toán - nói cách khác, chính là cần chất bán dẫn. Đầu tư của Trung Quốc vào điện toán lượng tử cao gấp ba lần so với Mỹ và hiện cũng đang có tốc độ phát triển tương tự. Nhưng Trung Quốc được cho là sẽ không thể duy trì vị trí “ngang cơ” này nếu không có năng lực công nghệ để phát triển chất bán dẫn tiên tiến.
TSMC - công ty sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc) - đã trở thành tâm điểm trong chiến lược “tách rời” lĩnh vực chất bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc.
TSMC chiếm khoảng 60% thị phần toàn cầu về chất bán dẫn tiên tiến. Thực tế là rất nhiều cơ sở sản xuất bán dẫn tập trung ở Đài Loan - vốn là một trong những điểm nóng địa chính trị - là rủi ro lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Đài Loan có thể sử dụng điều này như một “lá chắn silicon” buộc cả Trung Quốc và Mỹ phải kiềm chế các hành động của mình.
Dù vậy, Chris Miller - Phó Giáo sư về lịch sử quốc tế tại Đại học Tufts - nhận định rằng Trung Quốc lo sợ một cuộc phong tỏa được đo bằng byte (chất bán dẫn) hơn là bằng thùng (dầu mỏ).
Những lo ngại của Trung Quốc về nguồn cung cấp chất bán dẫn lớn hơn nhiều so với rủi ro về sự phụ thuộc của nước này đối với tuyến đường thương mại dầu mỏ đi qua eo biển Malacca do Mỹ kiểm soát. Do vậy, các quyết sách và hành động của Trung Quốc sẽ mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Ông Miller cho rằng, Mỹ không nên để Trung Quốc diễn giải những hạn chế mới đối với lĩnh vực bán dẫn là hình thức “phong tỏa toàn diện”, mà nên duy trì cái mà cố vấn Jake Sullivan gọi là “sân nhỏ có hàng rào cao”, bằng cách thu hẹp phạm vi kiểm soát nhưng vẫn thực thi những hạn chế này một cách thận trọng.