📞

Mỹ-Trung Quốc: Tương phản nhưng không tách rời

Minh Anh 08:00 | 10/03/2024
Việc Mỹ và Trung Quốc xung đột về mặt chính trị và xã hội không có gì mới, nhưng vài năm gần đây, hai siêu cường còn cho thấy sự khác biệt đáng kể về tăng trưởng kinh tế.
Ngay cả khi sự mất cân bằng tồn tại, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn có yếu tố bổ sung cho nhau. (Nguồn: Reuters)

Tăng trưởng “nóng” và phát triển “lạnh”

Nền kinh tế Mỹ vừa trải qua những quý tăng trưởng “nóng” và gây bất ngờ cho các nhà kinh tế học, khiến nhiều dự báo về suy thoái đối với đầu tàu kinh tế thế giới đưa ra trước đó bị đảo ngược.

GDP thực tế đạt 3,3% trong ba tháng cuối cùng của năm 2023, tạo thêm hơn 350.000 việc làm mới - cao hơn nhiều so với kỳ vọng và bổ sung vào con số tăng trưởng 5% đáng kinh ngạc trong quý trước đó; đồng thời đưa tốc độ tăng trưởng cả năm lên 2,5% - cao hơn 1,9% so với năm 2022.

Chính thời điểm này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng triển vọng GDP toàn cầu trong năm 2024 từ 2,9% lên 3,1%, với dự báo về sức mạnh tăng trưởng của Mỹ tiếp sức cho nền kinh tế toàn cầu.

Các số liệu tươi sáng khép lại một năm nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục gây bất ngờ. Động lực tăng trưởng chính của Mỹ nhờ tiêu dùng mạnh mẽ; Đầu tư của doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản góp phần giúp kinh tế tăng trưởng vượt dự báo; Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, số việc làm đang bùng nổ và người tiêu dùng vẫn mạnh tay chi tiêu. Các chỉ số chính vượt kỳ vọng đã khiến các nhà đầu tư Phố Wall không khỏi lo ngại về khả năng tăng trưởng quá “nóng”.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, phù hợp với mục tiêu chính thức mà Bắc Kinh đề ra. Tuy nhiên, dù thoát ra khỏi những khó khăn do tình trạng phong tỏa bởi đại dịch Covid-19 và tái khởi động guồng máy kinh tế, đường phục hồi vẫn gập ghềnh do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân, bao gồm gánh nặng nợ nần, giảm phát, lực lượng lao động già đi, nhu cầu nội tại chậm hơn và cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản.

Tất cả khó khăn này đang dẫn đến tình trạng phát triển “lạnh”- khi làn sóng đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường tài chính. Lần đầu tiên FDI chuyển sang mức âm, nghĩa là đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vượt quá đầu tư của nước ngoài vào.

Phân tích tình hình nền kinh tế thứ hai thế giới, ông Arthur Laffer Jr. - Chủ tịch Laffer Tengler Investments cho rằng, thật không may, các chính sách của Trung Quốc hiện mới giải quyết triệu chứng, chưa chữa tận gốc các “căn bệnh” tiềm ẩn.

Những sửa đổi về chính sách mới chỉ “vá lỗ hổng” của thị trường chứng khoán đang sụt giảm, chứ chưa đánh bật được những nguyên nhân gốc rễ, mang tính cấu trúc, như nguồn cung bất động sản và nhà ở.

Phân hóa và ràng buộc?

Nhà kinh tế thị trường cấp cao Joseph Seydl tại Ngân hàng JPMorgan chỉ ra rằng, cơ sở tiêu dùng hoàn toàn khác nhau ở Mỹ và Trung Quốc là một trong những yếu tố dẫn đến sự phân hóa của hai nền kinh tế.

Ở Mỹ, chính sức mạnh của người tiêu dùng và việc chi tiêu liên tục cho đến nay đã giúp ngăn chặn nền kinh tế rơi vào suy thoái và tạo niềm tin lạc quan.

Ngoài ra, những quyết sách về kích thích kinh tế trong đại dịch (người tiêu dùng được chính phủ hỗ trợ tiền mặt), cũng như tăng trợ cấp thất nghiệp sau đại dịch đã cho thấy chính phủ Mỹ sẵn sàng khuyến khích người dân tăng chi tiêu vào nền kinh tế.

Trong khi đó, nhà kinh tế Joseph Seydl cho rằng, điều ngược lại đã diễn ra tại Trung Quốc. Theo ông, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh vẫn đang ưu tiên tăng trưởng xuất khẩu hơn đẩy mạnh tiêu dùng trong nước. Người dân ở nền kinh tế thứ hai thế giới đã không chi tiêu nhiều như mong đợi vào năm 2023, đặc biệt là khi đặt cạnh những gì được kỳ vọng sau đại dịch.

Trong khi đó, để giảm rủi ro cho thị trường bất động sản, những tháng gần đây, Bắc Kinh chính thức giảm đòn bẩy và dường như thừa nhận, sự bùng nổ của bất động sản – yếu tố thúc đẩy một thập kỷ tăng trưởng, có thể đã kết thúc.

Trên thực tế, vì phần lớn tài sản của người dân đang gắn liền với bất động sản, bởi vậy, chính rắc rối trong lĩnh vực này đã có tác động quá lớn đến tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng. Ngược lại, giá trị tài sản sụt giảm đã làm suy giảm niềm tin và buộc người tiêu dùng phải tích trữ tiền mặt - đồng nghĩa với việc ít đầu tư chảy vào nền kinh tế hơn.

Tình hình càng phức tạp, liên quan tới vụ China Evergrande - nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới. Giới quan sát cho biết, hơn 1 triệu người ở Trung Quốc đã trả tiền cho công ty này để mua những ngôi nhà chưa bao giờ được xây dựng và “hồi kết” của Evergrande làm khó thêm nỗ lực hỗ trợ thị trường bất động sản của chính phủ.

Tất nhiên, lĩnh vực bất động sản Mỹ cũng có những vấn đề. Cho dù cả bất động sản thương mại và nhà ở đều phải đối mặt với “gió ngược”, các chuyên gia vẫn tin - không có mối đe dọa mang tính hệ thống nào giống như tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Trung Quốc.

Thị trường nhà ở của Mỹ cũng đang phải vật lộn với lãi suất cao khiến hoạt động mua nhà bị hạn chế. Trong đó, vấn đề lớn hơn nằm ở thị trường bất động sản thương mại – nơi các bất động sản trị giá hàng nghìn tỷ USD đang trở nên thất thế do xu hướng làm việc tại nhà kéo dài. Tuy nhiên, các chuyên gia tin “tình trạng khó khăn ở mảng này không phải là mối đe dọa đối với hệ thống tài chính Mỹ”.

Ngoài ra, tính tương phản của kinh tế Mỹ và Trung Quốc thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán. Nếu sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc phản ánh làn sóng di cư của các nhà đầu tư nước ngoài, thì thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng khoảng 25%.

Cụ thể, sàn chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong mất khoảng 6 nghìn tỷ USD kể từ năm 2021 và vào năm 2023, nhiều chỉ số giảm mạnh, kém xa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác. Đây không chỉ là sự khác biệt về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của thị trường.

Báo cáo công tác của chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc ngày 5/3 cho biết, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” cho năm 2024. Báo cáo nhấn mạnh, “các động lực phát triển nội tại đang được xây dựng”, nhưng cảnh báo nên “chuẩn bị sẵn sàng cho mọi rủi ro và thách thức”.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức 4,6% trong năm 2024 và tiếp tục giảm trong trung hạn, xuống còn khoảng 3,5% vào năm 2028.

Đưa ra quan điểm trong bài viết trên Business Insider mới đây, Chủ tịch Laffer Tengler Investments cho rằng, dù ở trường hợp nào, ngay cả khi sự mất cân bằng tồn tại giữa hai siêu cường vẫn có những yếu tố ràng buộc lẫn nhau. Việc kinh tế Mỹ không bị suy thoái giúp thúc đẩy triển vọng của Trung Quốc.

Nếu kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn, do nhu cầu yếu đi hoặc đồng tiền mất giá khiến nhập khẩu giảm, nhưng bên cạnh đó, giá hàng xuất khẩu của nước này sẽ thấp hơn tương đối. Trong khi, nếu kinh tế Mỹ mạnh lên, đồng USD mạnh hơn, sẽ mua nhiều hàng hóa từ Trung Quốc hơn. Điều này sẽ thực sự giữ cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng tốt hơn.