Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt (giữa) cùng hai tàu khu trục của Hàn Quốc và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung hôm 11/4. (Nguồn: Yonhap) |
Ngày 12/4, Yonhap dẫn thông cáo của hải quân Hàn Quốc nêu rõ, cuộc tập trận có sự tham gia của tổng cộng 6 tàu chiến từ 3 nước.
Hải quân Mỹ đã cử một trong những tàu chiến lớn nhất và là biểu tượng sức mạnh của lực lượng này, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt (CVN-71), cùng 3 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke tham gia tập trận với 2 tàu khu trục Aegis của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Lực lượng tham gia đã tiến hành huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm, diễn tập ngăn chặn việc vận chuyển trái phép vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo các sĩ quan hải quân Mỹ và Hàn Quốc, cuộc tập trận này cũng nhằm nâng cao khả năng tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo cho các tàu gặp nạn.
Đây cũng là cơ hội để lực lượng 3 nước cùng phối hợp để chuẩn bị tốt hơn trước mọi cuộc khủng hoảng hoặc tình huống bất ngờ trong khu vực.
Đây là hoạt động quân sự mới nhất trong số nhiều cuộc tập trận chung được tổ chức sau khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn tại Trại David (Mỹ) vào tháng 8/2023.
Cùng ngày, tại Đối thoại Quốc phòng tích hợp Hàn-Mỹ (KIDD) thường kỳ diễn ra ở thủ đô Washington (Mỹ), hai nước cũng tái khẳng định kế hoạch tổ chức cuộc Diễn tập bàn tròn, trong đó thảo luận ứng phó các tình huống khẩn cấp giả định, bao gồm các mối đe dọa hạt nhân.
Trong cuộc đối thoại vừa diễn ra, Mỹ đã tái khẳng định cam kết bảo vệ Hàn Quốc trước các cuộc tấn công hạt nhân. Hai bên cũng tổ chức các cuộc thảo luận chuyên sâu về hợp tác trong lĩnh vực bảo trì, sửa chữa và đại tu (MRO) ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Phía Washington ghi nhận những nỗ lực của Seoul trong việc việc hợp tác phát triển các sáng kiến MRO, đồng thời khẳng định sự hợp tác này phù hợp với định hướng nâng cao vị thế và năng lực của liên minh Mỹ-Hàn.